(Baonghean) - Đã thành quen, mỗi dịp hè về, đồng bào các bản làng miền biên viễn Nậm Giải (Quế Phong) lại đón đợi những người lính Cụ Hồ như chờ đón những người con, người anh em trở về với bản. Tình cảm quân - dân nồng hậu ấy được nhen lên từ những hành động cụ thể, bằng tấm lòng nhân văn, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng dân bản.

Con đường rải nhựa quanh co đưa đoàn xe chở 20 cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An lên với xã Nậm Giải, huyện Quế Phong. Sáng mùa hè, nhưng ở vùng biên viễn này tiết trời vẫn se lạnh. Thiếu tá Lê Anh Văn dẫn đầu đội công tác, lỉnh kỉnh trên vai nào cuốc, xẻng, thùng to, thùng nhỏ… chất đầy dụng cụ lao động và đồ dùng sinh hoạt cho hơn 1 tuần cắm bản. Vừa cố gắng leo lên con dốc cao của Trạm Y tế xã Nậm Giải, Thiếu tá Văn nhoẻn cười: “3 năm lên Nậm Giải theo chương trình giúp đỡ xã nghèo miền Tây của đơn vị, tôi thấy có một điều chẳng đổi thay gì ở đây là thời tiết. Nậm Giải như Sapa của xứ Nghệ vậy. Còn lại thì đều thay đổi tích cực cả. Mỗi năm lên đây lại thêm phấn khởi vì xã phát triển, đi lên!” 
image_4558210.jpgCán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng nhân dân xã Nậm Giải (Quế Phong) vệ sinh thôn bản.
Thiếu tá Lê Anh Văn lãnh trách nhiệm phụ trách đội công tác lên giúp đỡ xã nghèo Nậm Giải theo chủ trương mỗi đơn vị giúp đỡ một xã nghèo miền Tây Nghệ An. Mỗi năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lại cắt cử một đội công tác “đặc biệt”, thực hiện các phần việc khác nhau, thiết thực giúp đỡ xã nhà những công việc, hạng mục theo tình hình khó khăn cụ thể ở địa phương. 3 năm gắn bó với đội công tác lưu động ấy, Thiếu tá Lê Anh Văn có nhiều kỷ niệm sâu đằm về vùng đất, con người nơi đây, mà mỗi câu chuyện đều lấp lánh trong đó tình cảm quân – dân nồng hậu, ấm cúng.
 
Đâu phải mãi đến khi thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về giúp đỡ xã nghèo miền Tây, màu áo xanh của những người lính Cụ Hồ mới sáng lên trên vùng đất khó, mà dấu ấn người lính xông pha lũ dữ cứu dân đã hằn in trong tâm tưởng đồng bào miền biên viễn. Năm 2007, trận lũ quét lịch sử cuốn phăng đi bao bản làng ở Nậm Giải, 13 người dân bản Méo, bản Pục bị thiệt mạng, cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã không quản ngại hiểm nguy lao vào điểm “nóng”, cứu trợ trong tâm lũ, giúp dân dựng nhà, phục hồi sản xuất sau lũ … “Liên tiếp nhiều năm sau cơn lũ quét, cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh duy trì các hoạt động giúp đỡ xã Nậm Giải.
 
Năm 2012, chúng tôi triển khai công tác dân vận tại bản Mờ, giúp nhân dân bản xây dựng bản điểm văn hóa toàn huyện. Cùng với đó, trích nguồn quỹ tiết kiệm của cán bộ, chiến sỹ toàn đơn vị giúp đỡ trạm y tế xã về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế … Năm 2013, cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức làm đường liên bản tại địa bàn bản Pục …” – Thiếu tá Lê Anh Văn chia sẻ. Và anh bảo, nhớ về mốc thời gian, là nhớ về những kỷ niệm với mảnh đất, con người, là để thêm một lần vui với những đổi thay của Nậm Giải xa xôi …
 
Đổi thay ấy hiện hữu trên những nếp nhà sàn khang trang, trên những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa cấy, cả  trên 7 ha vườn chanh leo lúc lỉu trái chờ thu hoạch. Chủ tịch xã trẻ Quang Văn Thành khẳng định chắc nịch là cả một sự hồi sinh kỳ diệu: “Toàn xã Nậm Giải chưa đến 2.000 dân, dân số ít nhưng đất sản xuất cũng hiếm, địa hình đất cằn, đồi núi dốc, hạn chế nhiều cho phát triển nông nghiệp. Những năm về trước, Nậm Giải tiêu điều sau lũ dữ, nổi tiếng là xã “3 không”: không điện, không đường, không sóng điện thoại… Giờ thì đổi khác nhiều rồi, sóng điện thoại 2 nhà mạng căng tràn, điện lưới quốc gia đã về đến hầu hết các bản trong xã, đường bê tông nông thôn mới trải dài, chỉ còn vài trục liên bản vùng sâu còn khó khăn thôi”. Chủ tịch Quang Văn Thành tấm tắc, quý nhất là hệ thống trường - trạm của xã Nậm Giải đã khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập và khám chữa bệnh của nhân dân. Trong đó, Trạm Y tế xã là một trong những trạm về đích sớm bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 1 trong toàn huyện Quế Phong, và dự kiến cuối năm 2015, sẽ nỗ lực đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 – 2020. “Thành tích nổi bật ấy, chính quyền và bà con xã Nậm Giải không quên dấu ấn giúp đỡ của các anh bộ đội Cụ Hồ.” – anh Quang Văn Thành tâm sự. 
 
Năm nay, đội công tác của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giúp đỡ xã Nậm Giải tiếp tục triển khai các hạng mục xây dựng tường bao, chỉnh trang khuôn viên trạm y tế xã, giúp trạm có cơ sở vật chất khang trang để sẵn sàng cho sự kiện về đích bộ tiêu chí quốc gia vào cuối năm 2015 theo lộ trình. Những cán bộ, chiến sỹ trẻ, mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt dẫu tiết trời se lạnh, thoăn thoắt đôi tay trộn hồ, chuyển gạch, xúc cát … và hồ hởi những câu chuyện tếu táo cùng bà con dân bản ra thực hiện công trình. Một tấm biển đỏ thắm dòng chữ Trạm Y tế xã Nậm Giải đã được chuẩn bị sẵn chờ ngày vui hoàn thiện. 
 
Theo chương trình, ngày 15/7, đoàn quân y của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ tiếp tục lên với Nậm Giải, tổ chức khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con dân bản. Hoạt động thường niên ấy được đồng bào chờ đón với tất cả những háo hức, mong đợi. Anh Lô Văn Tính (bản Cang, Nậm Giải) cùng đông đảo bà con dân bản thực hiện công trình tường bao cho trạm y tế xã nhà, râm ran câu chuyện: “Lần nào bộ đội về là bà con vui lắm, ai cũng muốn mời bộ đội về ở trong nhà mình. Nhờ có bộ đội, bà con có trạm y tế khang trang để khám, chữa bệnh, biết giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chăm chỉ làm ăn để xây dựng cuộc sống mới”. 
 
Nhờ bám sát cuộc sống của đồng bào, cầm tay chỉ việc cho bà con, lực lượng vũ trang tỉnh nhà đã giúp đỡ xã Nậm Giải được nhiều phần việc thiết thực, góp phần tích cực đổi thay bộ mặt xã vùng biên. Trong vòng 5 năm (từ 2011 đến 2015), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đóng góp 4.550 ngày công giúp đỡ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Cụ thể, đã sửa chữa, nâng cấp trạm y tế xã (xây tường bao, tặng trang, thiết bị y tế như tủ, giường bệnh nhân, bàn mổ, dụng cụ khám, thuốc chữa bệnh) trị giá 256 triệu đồng; tổ chức nhiều đợt đợt khám, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho 1.050 lượt người trị giá 175.500.000 đồng; tổ chức lực lượng, phương tiện đào đắp làm mới 3 tuyến giao thông ở bản Pục dài 750m trị giá 450.900.000 đồng; sửa chữa và nâng cấp 3,5 km đường liên bản của xã trị giá 60.450.000 đồng; tặng 50 triệu đồng làm nhà cho mẹ liệt sỹ và hỗ trợ 5 con bò giống cho 5 gia đình đặc biệt khó khăn trị giá 50 triệu đồng. 
 
Trung tá Bùi Hữu Thắng, Trưởng Ban Dân vận, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: “Tổng kinh phí cho hoạt động giúp đỡ xã nghèo Nậm Giải tính đến thời điểm này là khoảng 750 triệu đồng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả không phải là sự hoành tráng trong con số thống kê, mà đáng mừng vui là dấu ấn người lính Cụ Hồ đã hiện hữu trong từng chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của đồng bào, góp phần xây dựng vùng biên vững mạnh”. 
 
Bài, ảnh: Phương Chi