(Baonghean) - Sinh ra ở Hưng Trung (Hưng Nguyên), trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng  Việt Hòa (tên thật là Nguyễn Văn Hòa  - SN 1993), đã sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Em luôn tin rằng âm nhạc đã chọn em và giúp em được toả sáng dưới ánh đèn sân khấu với những ca khúc trữ tình quê hương tự hào, tha thiết... 

Tôi biết Việt Hòa khi em còn là một sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Điều tôi ấn tượng nhất về em là chất giọng tenno rất sáng của một “ca sĩ trường” với những tình khúc trữ tình quê hương hoặc những ca khúc nhạc trẻ sôi động.

Bẵng đi một thời gian không thấy Hòa tham gia vào các chương trình ca nhạc do Tỉnh đoàn tổ chức, dù trước đó Việt Hòa luôn là "gương mặt đinh" trong các chương trình tạp kỹ của học sinh, sinh viên. Liên lạc với em thì được biết, do đang muốn lựa chọn một công việc gần hơn với sân khấu, muốn thử sức mình ở nhiều sân chơi trước khi lựa chọn cho mình một hướng đi ổn định.

Thế rồi hình ảnh Hòa trở nên “hot” khi có dạo em đi làm sự kiện đám cưới. Ở hầu hết các đám cưới mà Hòa nhận em đều đảm nhiệm cả hai vai trò ca sĩ và nhạc công. Khi được hỏi vì sao một sinh viên trường sư phạm có nhiều khả năng nhưng lại lựa chon cách tiếp cận âm nhạc dân dã thế,  Hòa cười: “Chỉ vì em đam mê âm nhạc và ưa khám phá học hỏi, biết cách biến sở đoản thành sở trường, nên sân khấu nào có người nghe nhạc em đều hướng đến và cho rằng đó là môi trường đào tạo bản thân”. 

1501842702586.jpgCa sĩ Việt Hòa tại cuộc thi “Sao Mai” do Đài PT-TH Nghệ An tổ chức năm 2015. Ảnh: NVCC


Yêu ca hát, đam mê ánh đèn sân khấu, nên chưa bao giờ Hòa thôi nuôi ước mơ trở thành ca sĩ. Và sau khi ra trường 1 năm, Hòa đã thử sức mình trên nhiều sân chơi, em đã tham gia nhiều chương trình âm nhạc được tổ chức trên địa bàn thành phố để trải nghiệm và đơn giản để được thể hiện mình tại những  sân khấu chuyên nghiệp.

Sau bao ngày vất vả tập luyện, kết quả viên mãn đã đến với Hòa. Ấy là khi em đạt được giải Nhì dòng nhạc thính phòng trong cuộc thi “Sao Mai” do đài Phát thanh – Truyền hình Nghệ An tổ chức năm 2015 với ca khúc “Ngã ba chiều”. Cũng chính từ sân khấu ấy mà Đại tá Lê Thị Quỳnh Như đã tuyển chọn em vào Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4. Kể từ đó Việt Hòa chính thức bước chân vào con đường hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, trong niềm vui, sự háo hức và cả những lo toan.

Kể từ khi chập chững bước chân vào sân khấu chuyên nghiệp Việt Hòa thực sự được rèn dũa với giáo trình bài bản của thầy giáo, NSƯT Tiến Lâm. Cũng từ đây con đường khổ học bắt đầu, khi những kỹ thuật bản năng của em bây giờ chính thức được rèn giũa, gò ép theo khuôn khổ, từ cách lấy hơi, nhả chữ, cách chia khổ và đẩy cao trào như thế nào trong ca khúc.

Việt Hoà đứng thứ 3 từ trái sáng trong lần biểu diễn tại Nha Trang. Ảnh NVCC.

Hòa kể: “Nếu trước đây em chỉ hát theo cách cảm thụ âm nhạc của mình thì khi vào đoàn các anh chị, thầy cô đã chỉ dẫn cho em từ kỹ thuật thanh nhạc đến cách cảm thụ bài hát. Và không phải sân khấu nào, bài hát nào mình cũng phô hết cảm xúc và kỹ thuật ngay từ đầu, mà cần phải biết chắt lọc nó để đặt vào những đoạn đắt nhất, tinh tế nhất, làm điểm nhấn cho ca khúc. Nhưng ngược lại cũng từ môi trường chuyên nghiệp này em cũng được chỉ dạy cho cách thể hiện bản sắc riêng có của mình. Phải hay, “tròn trĩnh” khi thể hiện nhưng không được giống một ai đó, mà phải là chính mình”

Thế rồi sau 2 năm học việc, Việt Hòa đã được ghi nhận khi em gặt hái được nhiều thành công trên cương vị diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4, với giải Nhất toàn đoàn khi tham gia liên hoan nghệ thuật quần chúng Lực lượng vũ trang toàn quân năm 2015. Cùng với đó Việt Hòa luôn được chọn là giọng ca nam chính trong tốp ca nam, em cũng được giao đơn ca trong nhiều chương trình phục vụ toàn quân.

Và chính từ  nỗ lực từng ngày mà Hòa luôn nhận được những lời khen ngợi của anh chị em diễn viên trong đoàn và sự ghi nhận của Trưởng đoàn, Đại tá Lê Thị Quỳnh Như. Với em đó chính là động lực để phấn đấu. 

Việt Hòa trong một chuyến lưu diễn ở Trường Sa. Ảnh: NVCC


Điều mà Hòa luôn cảm ơn những ngày tháng trong quân ngũ chính là việc được trau dồi, rèn luyện bản thân mình từ chuyên môn đến cốt cách của người lính. Bởi ca sĩ lính cũng phải thực hiện những điều lệnh trong quân ngũ, luôn làm việc đúng giờ, luôn sẵn sàng phục vụ khi nhân dân cần. Vì thế khi về Đoàn, Hòa đã được điều đi biểu diễn, phục vụ cho nhiều đơn vị, lên rừng xuống biển, ra Bắc vào Nam. Nhưng chuyến đi Trường Sa đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất: “Cảm xúc khó nói nên lời, khi mình được hát giữa biển cả quê hương, được đem tiếng hát phục vụ những người lính đảo. Khi cảm nhận được sự háo hức mong chờ trong ánh mắt người lính mới thấy sứ mệnh thiêng liêng của mình thật có ý nghĩa”.

Và với Hòa và những ca sĩ lính trong chuyến đi ấy món quà mà họ mang đến cho lính đảo cũng chính là món quà mà những ca sĩ, diễn viên của đoàn nhận được. Đó chính là tình cảm yêu thương như anh em một nhà, là sự tự hào, là tình yêu thiêng liêng với Tổ quốc mẹ hiền mến yêu.

Hòa chia sẻ: “Em sẽ cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa để được đem tiếng hát của mình phục vụ chiến sĩ và nhân dân. Bởi những ca sĩ  người lính như em có một sứ mệnh cao cả là lan toả lòng tự hào, tình yêu đất nước đến với tất cả đồng bào, chiến sĩ nơi em đi qua và cả những nơi em chưa từng đến”.

 Thanh Nga

TIN LIÊN QUAN