Chiều 16/3, hành lang Phòng khám chuyên khoa của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (34 Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) không còn lối đi. Người lớn đứng chật kín nơi tiếp nhận bệnh nhân đến khám và khu nhận kết quả. Trẻ con chạy nhốn nháo, có bé lạc bố mẹ khóc thét. Những dãy ghế chờ kín người ngồi, tay ôm những túi đồ.
Bên ngoài, dưới tấm bạt được căng tạm, cả chục người ngồi ăn chiếc bánh, uống tạm hộp sữa. Họ đều là phụ huynh, học sinh mầm non và tiểu học ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), nơi có hơn 50 trẻ bị phát hiện nhiễm sán lợn.
Đọc báo thấy hơn 50 trẻ ở Thuận Thành dương tính với sán lợn vào tối qua, chị đã rơi nước mắt. Gia đình chị không thể ngồi yên, dù con không học ở trường Mầm non Thanh Khương - nơi bị phát hiện thịt lợn nổi hạch, dấu hiệu nhiễm sán lợn và thịt gà hôi thối trong bếp ăn bán trú.
Chị Nhàn cùng khoảng 10 người ở thôn Văn xã Đại Đồng Thành (giáp với xã Thanh Khương) 4h sáng nay đưa con từ Bắc Ninh ra Hà Nội. Con không có dấu hiệu sốt, đau bụng hay đi ngoài, chỉ cần xét nghiệm máu, nhưng chị vẫn quyết định cho siêu âm để kết quả chắc chắn hơn.
Cùng ở xã Đại Đồng Thành, anh Nguyễn Văn Nam cho biết mấy hôm nay đi tới đâu cũng nghe câu chuyện sán lợn. Ra tới Hà Nội lúc hơn 6h sáng, anh vào viện đăng ký khám ngay mà đã xếp thứ hơn 400. Đến trưa, một người quen cùng xã lên đăng ký xét nghiệm, số phiếu khám đã tăng thêm cả nghìn.
Anh Nam cho con nghỉ ăn bán trú ở trường 10 ngày nay. Tuy nhiên, chỉ đến khi có thông tin hơn 50 học sinh nhiễm sán, anh mới đưa con đi kiểm tra do trường của con và trường Thanh Khương chung một đơn vị cung cấp thực phẩm.
"Công ty này cung cấp thực phẩm cho 19 trường mầm non và hai trường tiểu học ở Thuận Thành với cả chục nghìn học sinh. Tôi tin rằng từ giờ tới đầu tuần sau, phụ huynh sẽ còn tiếp tục kéo ra Hà Nội", anh Nam dự đoán.
Đưa cháu nội học ở trường Mầm non Thanh Khương và cháu ngoại học lớp 1 ra khám, bà Nguyễn Thị Hảo đứng ngồi không yên vì phải chờ đợi lâu. "Mỗi đứa mất 900.000 đồng tiền xét nghiệm, chưa kể công sức và tiền đi lại. Nhưng chúng tôi không tiếc vì liên quan đến sức khỏe con cháu", bà Hảo nói.
Xã Thanh Khương cách Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương khoảng 40 km, bà Hảo và nhiều gia đình ở xã thuê chung hai xe 45 chỗ, 29 chỗ đưa các cháu ra đây, thay vì đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh. Nhiều gia đình có điều kiện thuê taxi đi riêng để lên sớm. "Chúng tôi rất lo lắng và buồn vì sự việc nóng mà không nhận được hỏi thăm từ phía địa phương và nhà trường", bà nói.
Đến 16h, một số phụ huynh lấy được kết quả nhưng không thể ra ngoài vì dòng người ùn ùn phía sau. Giơ cao tờ giấy có dấu đỏ, chị Hà ở xã Mão Điền (Thuận Thành), gọi chồng con nhận lấy. Nhìn thấy chữ "Âm tính", chị vẫn hoang mang hỏi lớn xem có nghĩa là gì. Khi mọi người xung quanh giải thích như vậy là không sao, chị thở phào nhẹ nhõm, xoa má con nói "Yên tâm rồi".
"Tôi nơm nớp lo sợ từ tối qua đến giờ. Ơn trời là con không sao", chị cười nói rồi hớt hải chạy vào trong giúp những phụ huynh khác làm thủ tục nhận biên lai.
Nhiều gia đình đến muộn bị hẹn thứ hai quay lại nhận kết quả. Một số phụ huynh đưa con sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương xét nghiệm, sau khi nhận được giấy hẹn lấy kết quả sau một tuần, đã chạy sang Viện Sốt rét - Ký sinh trùng với mong muốn có kết quả sớm hơn.
Theo thống kê của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, ngày 15-16/3 có 550 trường hợp đến xét nghiệm sán lợn. Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, sáng nay có 500 bé, hôm qua là 175. Dự kiến ngày mai Bệnh viện mới có kết quả xét nghiệm, bởi sau hôm qua nhiều trường hợp dương tính chéo với các loại ký sinh trùng khác nên hôm nay phải chạy nhiều xét nghiệm hơn.
Trước đó ngày 15/3, hàng trăm phụ huynh có con đang theo học trường Mầm non Thanh Khương đưa con ra Hà Nội xét nghiệm. Kết quả, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương phát hiện 57 bé dương tính với sán lợn. Hiện, nhiều mẫu vẫn chưa có kết quả.
Hiện chưa rõ số lượng lớn trẻ em ở xã Thanh Khương nhiễm sán lợn từ đâu. Nhưng cuối tháng 2, phụ huynh phát hiện bếp ăn trường Mầm non Thanh Khương có thịt lợn nổi nhiều hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Sở Giáo dục Bắc Ninh kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, sớm báo cáo việc thực phẩm không đảm bảo chất lượng xuất hiện trong trường Mầm non Thanh Khương và hàng chục học sinh có kết luận dương tính với sán lợn.
Chính quyền địa phương vẫn đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh và chờ kết quả kiểm nghiệm số thịt được cho là không đảm bảo an toàn vệ sinh xuất hiện trong bếp ăn trường.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sán dây/ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải lợn phân bố ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả vùng miền, tỉnh thành. Sán lợn lây lan do thực phẩm nhiễm các ký sinh trùng trong đất, trong nước. Con người ăn rau không rửa sạch, thực phẩm không nấu chín... dẫn đến nhiễm giun sán.
Bệnh ấu trùng sán lợn xảy ra ở người ăn phải trứng sán lợn nhiễm trong thức ăn. Sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt rồi sẽ hóa nang.
Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1-2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau. Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt, nó có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.
Theo phác đồ điều trị hiện nay, cần một ngày để tiêu diệt sán trưởng thành và hai tuần diệt hết trứng sán.