Gia đình anh Lê Văn Phương ở xóm 1 Tiến Thành, xã Quỳnh Thắng là một trong nhiều hộ nuôi lợn rừng quy mô lớn ở địa phương.

Với diện tích 1 ha đất vườn đồi, năm 2008 anh Phương cải tạo mặt bằng, xây chuồng trại và mua 27 con lợn rừng về nuôi với kinh phí ban đầu hơn 270 triệu đồng. Sau nhiều năm phát triển nuôi lợn rừng, anh Phương nhận thấy giống vật nuôi có hiệu quả, kinh tế cao nên từ năm 2012 đến nay, anh Phương tiếp tục nuôi với số lượng lớn trên 120 con.

bnalon_rung_viet_hung_18118001_10112018.jpgLợn rừng được nuôi nhiều ở xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu. ảnh: Việt Hùng

Anh Phương chia sẻ, bản thân anh luôn tự tìm tòi, học hỏi cách chăn nuôi, lên mạng lập trang Web để quảng bá sản phẩm chăn nuôi nên thị trường ngày càng được mở rộng, khách hàng biết đến nhiều và đặt hàng thường xuyên.

Để chăn nuôi lợn rừng thành công, khâu chọn giống là quan trọng nhất, hiện nay anh Phương đang nuôi giống lợn rừng Thái Lan. Chúng có đặc tính ăn nhiều, mau lớn, khi xuất bán chúng có trọng lượng từ 25 – 30 kg/con. Mỗi năm anh Phương xuất bán ra thị trường từ  9 – 13 tấn, với giá bán 120.000 đồng/kg, sau khi chi phí anh Phương thu lãi ròng 300 – 350 triệu đồng/năm.

Đến nay, người dân xóm 1 Tiến Thành đều chuyển từ lợn trắng sang nuôi lợn rừng với khoảng hơn 30 hộ. Với diện tích đất đồi rộng rãi, các hộ đều nuôi thả rông.

Anh Lê Văn Phương xóm 1 Tiến Thành chăm sóc đàn lợn rừng. Ảnh: Việt Hùng

Ông Nguyễn Văn Minh, hộ nuôi lợn rừng cho biết, tuy con lợn rừng nuôi  kéo dài gần 2 năm mới xuất bán nhưng chúng luôn ổn định giá cả, giá trị cao gấp 10 lần lợn truyền thống. Theo ông Minh, lợn rừng là loài ăn tạp nên ít tốn chi phí thức ăn. Chúng thường ăn các loại cám ngô, gạo và tăng cường rau củ, trái cây để kích thích tăng trưởng. Đặc biệt, giống lợn rừng có sức đề kháng cao, ít khi bị bệnh nên chỉ cần chuồng trại thoáng mát, tiêm phòng các dịch bệnh thường gặp và tẩy giun sán định kỳ là có thể đảm bảo cho chúng sinh trưởng phát triển.

Theo thống kê, toàn xã Quỳnh Thắng hiện có khoảng hơn 50 hộ đang nuôi lợn rừng với số lượng hơn 1.200 con, trong đó có khoảng 10 hộ nuôi quy mô lớn từ 100 – 150 con/lứa. Để nghề nuôi lợn rừng ở địa phương phát triển và nhân rộng như hiện nay, nhiều hộ tập trung thu mua sản phẩm cho bà con rồi xuất bán đi các tỉnh với số lượng hàng chục tấn mỗi năm. Nhờ có đầu ra ổn định nên bà con yên tâm để phát triển đàn.