(Baonghean) - Hồi đi học, mình là chúa nhác, toàn nước đến chân mới nhảy nhưng được cái sáng dạ nên chưa bị “sặc nước” lần nào. Bố mình vẫn thường ngán ngẩm bảo mình: "Cậu cả, cậu có biết, hồi bố bằng tuổi cậu phải ngồi dưới cột điện để học bài không? Phải đâu được ăn sung, mặc sướng như cậu bây giờ. Nhác như cậu thì đến cá gỗ cũng không có mà ăn con ạ!". Mình thì tất nhiên chưa được ăn cá gỗ bao giờ nên lấy làm lạ lắm.Sau này, mình mới biết sự tích về con cá gỗ của học trò xứ Nghệ. Buồn cười ở chỗ, người ta đặt ra cái tích cá gỗ vốn để trêu chọc những anh trò nghèo, trọ trẹ đi học ở chốn kinh kì. Thế mà không hiểu sao, người Nghệ không lấy đó làm điều mà nhận luôn làm "truyền thống", đặc trưng của mình, và lại còn tự hào là đằng khác! Bố mẹ anh nghèo nên anh nghèo, cái số anh sinh ra nó thế. Nghèo không phải là một cái tội, hà cớ gì phải xấu hổ vì mình nghèo? Giả như anh có nghèo vì lười nhác thì mới đáng hổ thẹn. Nhưng nếu anh làm những việc bất nhân bất nghĩa mà giàu, mà ngồi mát ăn bát vàng thì cũng chẳng sánh bằng với anh học trò ăn cá gỗ thờ thánh Khổng vậy! Không phải tự nhiên mà nghĩ đến người Nghệ mình là nghĩ ngay đến cá gỗ. Người ta chọn hình ảnh cá gỗ có lẽ vì 2 điều: thứ 1, nói đến người Nghệ là nói đến "chém to, kho mặn", vì mặn nên đỡ hao thức ăn và để được lâu - chính là muốn nói đến tính hay dành dụm, cần kiệm và phòng xa của người xứ gió Lào hay phải chịu thiên tai. Con cá còn gợi đến hình ảnh cá chép vượt vũ môn hoá rồng, tượng trưng cho mong muốn vươn lên khỏi cảnh nghèo bằng chữ nghĩa, tri thức của học trò xứ Nghệ. Tích cá gỗ vì thế mà từ một hình ảnh châm biếm trào phúng trở thành "linh vật" của người xứ Nghệ nói chung và học trò xứ Nghệ nói riêng. Cho đến tận bây giờ, dù không phải chịu cảnh mượn đèn đường học bài như bố mình nhưng đi đâu, hễ cất tiếng trọ trẹ là người ta lại ồ lên: "A, dân cá gỗ!". Có điều, thay vì hàm ý "dân cá gỗ là dân nghèo" thì người ta lại hiểu theo ý tứ "dân cá gỗ học giỏi" nhiều hơn. Phải chăng cá gỗ là một món ăn đặc biệt tốt cho trí tuệ? Nói đùa mà thành thật, vì thường trong những hoàn cảnh khó khăn, người ta mới có động lực để vươn lên. Nhưng từ đó nảy sinh ra một nghịch lý: Tại sao dân cá gỗ học giỏi mà vẫn phải ăn cá gỗ? Thật ra dân cá gỗ chỉ ăn cá gỗ ở trên đất Nghệ, chứ đi ra bốn phương thành đạt rồi đâu cần ăn cá gỗ nữa? Và những người như thế, tự nhiên cũng phai nhạt đi phần nào cái chất Nghệ, chất cá gỗ mà thay vào đó là thịt bò Úc, rượu vang Pháp, cá hồi Nhật Bản, v.v và v.v... Những người ăn cá gỗ để trưởng thành không trở về nên mảnh đất này nghèo vẫn hoàn nghèo, những thế hệ mới sinh ra vẫn cứ thuỷ chung với món cá gỗ. Vì thế, người Nghệ có tiếng là giỏi giang nhưng chỉ giỏi giang nơi đất khách mà thôi. Mình vừa chống cằm nhìn đĩa cá mẹ kho mặn đét vừa nghĩ: Không biết dân mình còn phải ăn cá gỗ đến bao giờ?

Hải Triều