(Baonghean) - Tròn 1 năm kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận về ngăn chặn dòng người di cư, cả hai phía đều dọa “lật kèo” vì những căng thẳng nảy sinh giữa đôi bên. Nhưng không nhiều người dám chắc cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn EU sẽ mạnh tay với mối ràng buộc này.
“Mỏ neo” quan hệ EU - Thổ
Những cơn sóng lớn đang khiến mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và EU nghiêng ngả, liên quan tới việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực vận động cộng đồng người Thổ ở châu Âu bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân vào tháng tới nhằm gia tăng quyền hạn của Tổng thống.
Động thái này khiến một số nước châu Âu như Đức hay Hà Lan cảm thấy khó chịu. Và căng thẳng nổ ra sau những tuyên bố và hành động của các bên. Các khả năng đóng băng quan hệ, thậm chí là chấm dứt sự hợp tác, đối thoại được đặt ra cấp bách. Giờ đây, mối ràng buộc quan trọng nhất giữa hai bên: Bản thỏa thuận nhằm ngăn chặn dòng người di cư vào châu Âu được đưa ra làm “con tin”.
Hôm 15/3, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã đến lúc nước này “cần xem xét lại” thỏa thuận với EU về hạn chế dòng người di cư từ nước ngoài kéo tới đây. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết trong thỏa thuận đạt được với EU hồi tháng 3/2016, ngược lại khối này đã “không giữ lời hứa”.
Theo ông Celik, EU rõ ràng không muốn áp dụng quy chế miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ theo điều khoản đã cam kết trong thỏa thuận nói trên. Do đó, không có bất kỳ lý do gì để Thổ Nhĩ Kỳ phải tiếp tục duy trì “thỏa thuận suông” này với EU. Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu thậm chí còn đề cập cụ thể hơn khi cảnh báo nước ông có thể sẽ để mặc cho mỗi tháng có 15.000 người tị nạn tràn vào châu Âu.
Điều này trái ngược hoàn toàn với không khí hân hoan đúng 1 năm trước, khi cả hai bên cùng ca ngợi rằng thỏa thuận là điểm khởi đầu cho mối quan hệ mới giữa Brussels với Ankara. Phía EU cũng có những phản ứng nhưng xem ra rất chừng mực. Các nhà lãnh đạo châu Âu, như Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ tuyên bố việc Thổ Nhĩ Kỳ so sánh Đức và Hà Lan với chủ nghĩa phát xít là “không thể chấp nhận”. Giới lãnh đạo EU cũng từ chối lên tiếng về các biện pháp đáp trả, như đe dọa tiến trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ.
Giới hạn đỏ
Thực ra dù cứng rắn đến đâu, cả hai bên đều hiểu đâu là giới hạn đỏ cho mối quan hệ hiện tại. Đó chính là việc cùng hợp tác để giải quyết dòng người di cư ở cửa ngõ châu Âu. Hồi năm ngoái, việc hai bên lập tức thực thi thỏa thuận này chỉ 2 ngày sau khi ký kết cho thấy độ “nóng” của vấn đề. Phía EU cần Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận ngay lập tức những người Syria không được EU công nhận tị nạn. Còn khoản tiền 6 tỷ euro lập tức được chuyển cho đất nước nằm giữa lục địa Á - Âu để giải quyết sự phiền toái do người di cư gây ra. Bất kể rất nhiều ý kiến chỉ trích về thỏa thuận này, nhưng chưa ai tìm ra giải pháp nào thay thế tốt hơn.
Châu Âu, nhất là Đức không hề muốn đẩy thỏa thuận về người di cư vào thế nguy hiểm. Thực tế, các nước châu Âu đã “dễ thở” hơn nhiều nhờ việc giảm mạnh áp lực người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ đổ sang châu Âu. Trong trường hợp thỏa thuận này bị gián đoạn, không ai có thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra.
Yves Pascouau, chuyên gia về vấn đề di cư của Trung tâm chính sách châu Âu có trụ sở tại Brussels giải thích: “Chặn tuyến đường Balkan sẽ chỉ uổng công nếu như Ankara mở lại các “van” chặn người tị nạn. Khi đó, Hy Lạp sẽ lại rơi vào tình cảnh rất nhạy cảm”.
Tuyến đường Balkan là con đường chính mà người tị nạn từ Trung Đông tràn vào châu Âu. Và khi cuộc trưng cầu dân ý tại Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất, rất có thể chính quyền Ankara sẽ còn tạo thêm áp lực với phía Brussels, bởi khi đó, Tổng thống Tayip Erdogan sẽ có đủ quyền lực và không gian ủng hộ để thực hiện chiến lược của mình.
Nhưng không phải EU không có những “quân bài” trong túi áo của mình. Đó là cuộc đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ có thể gia nhập EU cũng như việc công dân nước này được nhập cảnh EU mà không cần thị thực. Tiến trình này đang tiến triển chậm và tất nhiên, nó phụ thuộc vào cảm xúc của các nước EU.
Và nếu cứ giằng co tranh cãi, giấc mơ bước vào ngôi nhà chung EU sẽ còn ở rất xa với Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là chuyện lâu dài. Việc từ bỏ thỏa thuận về người di cư với EU sẽ là sự mất mát nhãn tiền vì các khoản viện trợ cũng vì thế mà bay hơi. Mà khi đó, vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “mất giá” nhiều phần trong mối quan hệ với châu Âu.
Không có đổ vỡ ?
Cuộc khẩu chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU đang bị điều khiển bởi những động cơ chính trị, trong đó quan trọng nhất là cuộc trưng cầu ý dân sắp tới ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nó không giải quyết được những vấn đề của cả hai bên. Đó là sự phụ thuộc mạnh mẽ vào nhau. Nhà báo Asli Aydintasbas ở Ankara nhận xét: Hà Lan là nhà đầu tư lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Đức là nhà nhập khẩu hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ lớn nhất trong EU.
Và để đẩy mạnh kinh tế, Ankara sẽ cần lượng khách du lịch châu Âu tăng trưởng ổn định. Và nếu thuận theo mong muốn, nước này còn có thể gia nhập EU trong tương lai. Điều đó có nghĩa bất cứ mâu thuẫn nào cũng sẽ phải được dàn xếp theo hướng chấp nhận được cho đôi bên. Vậy nên không cần quá lo lắng về một sự đổ vỡ không thể cứu vãn.
Thanh Sơn