(Baonghean.vn)- Ngư dân xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai đang ăn nên làm ra từ các lò sấy cá cơm trắng xuất khẩu. Những lò sấy này không chỉ làm nên thương hiệu cá cơm Quỳnh Lập mà còn là bà đỡ tiêu thụ sản phẩm cho các tàu thuyền và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Cá cơm trắng ở Quỳnh Lập thơm ngon nức tiếng từ lâu đời. Đây là sản phẩm của các tàu cá trong vùng, đánh bắt chủ yếu ở khu vực Vịnh Bắc bộ.
Sau khi nhập về từ các tàu thuyền, cá sẽ được sơ chế và đưa vào lò hấp.
Sau công đoạn hấp, cá được mang ra phơi nắng.
Những khoảng trống xung quanh lò hấp được tận dụng làm nơi phơi cá. Người dân gọi đây là những "cánh đồng cá cơm" trên cạn.
Sau khi phơi từ 2 - 3 nắng, cá cơm được gom lại, cho vào khay nhựa.
Sau đó, được vận chuyển vào kho để đóng gói.
Các chủ hàng nhập thùng các tông để đóng gói sản phẩm.
Anh Lê Hồi Châu, chủ lò hấp ở xã Quỳnh Lập cho biết, mỗi ngày, nếu có đủ cá, lò của anh sẽ hấp được từ 30 - 40 tấn cá cơm tươi. Trong ảnh, anh Châu đang chuẩn bị củi để đưa vào lò.
Sau khi hấp, phơi, sấy khô, cá cơm được đóng thành thùng theo trọng lượng mà khách hàng đặt sẵn. Để bảo quản cá, các chủ lò sấy phải xây dựng kho lạnh công suất lớn. Đây là cách mà các chủ lò hấp có thể chủ động được nguồn hàng cho các thương lái.
Hiện nay, mỗi lò hấp cá cơm tạo việc làm cho hàng chục lao động. Chủ yếu là chị em phụ nữ vùng biển với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.Trong ảnh, bữa ăn trưa của chị em công nhân lò hấp cá ở Quỳnh Lập.
UBND xã Quỳnh Lập cho biết, hiện trong xã có 8 lò hấp cá. Đang là mùa đánh cá cơm, các lò đều hoạt động hết công suất, mang lại thu nhập cao. Những lò hấp sấy cá này đang trở thành điểm tựa của ngư dân trong việc bao tiêu sản phẩm. Mặc dù vậy, khó khăn nhất hiện nay là đầu ra của sản phẩm quá phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc. Nếu tìm được các thị trường khác để xuất khẩu, chắc chắn, giá trị của cá cơm trắng Quỳnh Lập sẽ còn được nâng cao hơn nhiều.

 Nguyên Khoa