(Baonghean.vn) - Sau sự cố vỡ đập chứa chất thải, bùn đất của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc - Công ty cổ phần Kim loại màu Nghệ Tĩnh vào sáng 9/3, có hiện tượng cá và các loại thủy sinh trong sông suối, ao hồ trên địa bàn chết hàng loạt. Đáng nói là theo chính quyền địa phương, tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, sản xuất thiếc đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Sự cố vỡ hồ chứa chất thải và bùn đất của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc (Công ty cổ phần Kim loại màu Nghệ Tĩnh) xảy ra vào sáng 9/3/2017. Từ chiều 9/3, người dân bắt đầu phát hiện cá chết nổi trắng nước. Cá chết nổi trên dòng Nậm Huống, các loại trắm, trôi, chép có trọng lượng từ 0,5 - 0,8 kg chết đầu tiên. Ông Quang Cảnh Dung, cán bộ môi trường xã Châu Cường (Quỳ Hợp) cho hay, sáng 10/3 nhiều người dân trên địa bàn ra suối Nậm Huống vớt cá. Một số gia đình đưa về chế biến ăn. Chiều 11/3, nhiều loại cá suối chết nổi và bắt đầu phân hủy. Ngay sau khi phát hiện bùn đen và chất thải màu nâu, đỏ tràn xuống dòng Nậm Huống khiến cá chết hàng loạt, chính quyền xã Châu Cường khuyến cáo người dân không vớt cá ăn, không sử dụng nguồn nước Nậm Huống. Sáng 10/3, ao cá của gia đình chị Lô Thị Dung bản Quang Hương, xã Châu Quang bắt đầu có hiện tượng cá chết. Đến sáng 11/3 đã có hàng chục con cá có trọng lượng 2,5 - 3kg nổi lờ đờ rồi chết. Chị Lô Thị Dậu - một chủ hộ nuôi cá khẳng định, cá của các hộ dân chết là do ô nhiễm nguồn nước sau sự cố vỡ đập chứa chất thải của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc đóng trên thượng nguồn thuộc xã Châu Thành (Quỳ Hợp). Những con cá trắm cỏ đang trong thời gian trưởng thành được người dân vớt lên chờ tiêu hủy. Ông Trần Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Châu Quang cho biết, từ nhiều năm nay 22/26 xóm dân cư của xã Châu Quang bị ảnh hưởng nặng nề bởi nguồn nước ô nhiễm mà nguyên nhân là do Xí nghiệp thiếc Suối Bắc thuộc Cô ty cổ phần Kim loại màu Nghệ Tĩnh xả thải. Biểu hiện cụ thể nhất là những diện tích gieo cấy lấy nước trực tiếp của nguồn nước không qua lắng lọc lúa đều không thể phát triển. Bộ rễ của cây lúa quắt lại, thâm đen và bị nghẹt. Bà Hà Thị Tuyết ở xóm Quang Hương (Châu Quang) cho biết, tình trạng nhiều diện tích lúa không thể phát triển đã kéo dài nhiều năm, dân cũng đã phản ánh tình trạng nguồn nước ô nhiễm nhiều lần nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Để bảo vệ diện tích gieo trồng và nuôi thủy sản, chính quyền các xã Châu Cường, Châu Quang đều phải đầu tư kinh phí xây các cửa ngăn đóng nước đầu nguồn. Mỗi khi phát hiện ra tình trạng ô nhiễm các kênh dẫn nước đều được đóng lại. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế. Đến sáng 12/3, dòng Nậm Huống - nguồn cấp nước chính của sông Dinh cũng như các xã Châu Thành, Châu Cường, Châu Quang (Quỳ Hợp) vẫn ngầu đục và bùn lắng đen kịt. Nhật Lân - Đào Tuấn