Với mong muốn điều trị, mang lại sức khỏe cho người dân, giảm bớt gánh nặng bệnh tật và kéo dài tuổi thọ, được phép của Bộ Y tế và của Hội đồng Khoa học tỉnh Nghệ An, trong 2 năm qua, tại Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh đã triển khai đề tài: “Nghiên cứu điều trị bệnh thoái hóa khớp gối bằng huyết tương giàu tiểu cầu phối hợp với ghép tế bào gốc trung mô từ mô mỡ tự thân”.

NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG
 

Thoái hóa khớp gối là tình trạng tổn thương sụn khớp, xương dưới sụn, dây chằng và các tổ chức quanh khớp, là nguyên nhân gây tàn tật cho người có tuổi đứng thứ hai sau bệnh tim mạch.

Ở Việt Nam, theo thống kê trong 10 năm (1991-2000) về bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai, thoái hóa khớp đứng hàng thứ ba (4,66%) trong nhóm các bệnh có tổn thương khớp.

Trong thoái hóa khớp, thoái hóa khớp gối chiếm 56,5%. Thoái hóa khớp gối ảnh hưởng nhiều nhất đến chức năng vận động. Thoái hóa khớp gối nặng là nguyên nhân gây tàn phế của nhiều bệnh nhân, làm tăng chi phí y tế của gia đình và xã hội.

bna_image_2797576_1622022.jpgTách huyết tương giàu tiểu cầu, trộn tế bào gốc và huyết tương giàu tiểu cầu. Ảnh: PV

Bệnh thoái hóa khớp gối được chia ra 2 loại: Đó là thoái hóa khớp gối nguyên phát, do quá trình lão hóa, bệnh thường xuất hiện muộn ở người trên 60 tuổi, nhiều vị trí, tiến triển chậm, tăng dần theo tuổi, mức độ không nặng.

Do các tế bào sụn thời gian lâu sẽ già, khả năng tổng hợp các chất tạo nên sợi collagen và mucopolysaccharid sẽ giảm sút và rối loạn, chất lượng của sụn sẽ kém dần, đặc biệt là tính đàn hồi và chịu lực, hơn nữa các tế bào sụn của người trưởng thành không có khả năng sinh sản, tái tạo.

Còn thoái hóa khớp gối thứ phát: Do các nguyên nhân cơ giới, gặp ở mọi lứa tuổi (thường dưới 40 tuổi), khu trú ở một vài vị trí, nặng và tiến triển trên một diện tích của mặt khớp và đĩa đệm. Do dị dạng bẩm sinh, các biến dạng thứ phát sau chấn thương, nguyên nhân tăng trọng tải như tăng cân quá mức do béo, tăng tải trọng do nghề nghiệp, do thói quen.

Triệu chứng thoái hóa khớp gối: Về lâm sàng: Chủ yếu là đau, đau tưng lên khi vận động, về mùa lạnh đau nhiều hơn. Có dấu hiệu lạo sạo, lục khục tại khớp gối, đôi khi có sưng nóng do viêm hoặc do tràn dịch khớp. Giai đoạn muộn có thể hạn chế vận động do biến dạng, lệch trục khớp.

Về cận lâm sàng: Chụp X-quang thấy hình ảnh gai xương, hẹp khe khớp lệch trục khớp, đặc xương dưới sụn; Siêu âm thấy tràn dịch khớp; Nội soi khớp thấy được các tổn thương rõ hơn; chụp cộng hưởng từ đánh giá tổn thương đầy đủ như mọc gai xương, tổn thương sụn và dây chằng.

Sản phẩm hỗn hợp mô mỡ bụng, tế bào gốc được tách từ mô mỡ bụng. Ảnh: PV

Cách điều trị thoái hóa khớp gối:  Điều trị nội khoa: Dùng các thuốc giảm đau, chống viêm không steroid: Như Diclofenac, Mobic, Acorxia, Celebrex… Thuốc chống thoái hóa khớp: Như Glucosamin, Condroitin, Atrodar. Tiêm cocticoid nội khớp khi có viêm tràn dịch.

Vật lý trị liệu: Sóng siêu âm, sóng ngắn, chiếu đèn, đắp nóng… Tiêm chất nhờn vào khớp: Acid Hyaluronic tùy từng loại có thể 6 tháng, 9 tháng tiêm 1 lần. Huyết tương giàu tiểu cầu: Lấy máu bệnh nhân tách ra phần huyết tương có giàu tiểu cầu, tiểu cầu được nâng lên 5-10 lần, tiêm vào khớp để tăng sinh sụn khớp.

Tế bào gốc: Dùng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ tách chiết để tiêm vào khớp nhằm mục đích thay thế tái tạo sụn mới tăng sinh sụn, giảm quá trình thoái hóa và bù đắp sụn đã bị hư hỏng, tạo điều kiện vận động khớp dễ dàng hơn. Liệu pháp kết hợp huyết tương giàu tiểu cầu và tế bào gốc trung mô từ mô mỡ tự thân. Liệu pháp điều trị này được xem như một chiến lược hứa hẹn cho việc điều trị tổn thương sụn khớp và viêm xương khớp.

Đồng thời, liệu pháp này vừa có huyết tương giàu tiểu cầu (tinh chất tiểu cầu) kích thích tăng sinh sụn và tế bào gốc mô mỡ làm thay tế bào sụn cũ bằng tế bào mới làm khớp hồi phục các tổn thương do quá trình thoái hóa.

HIỆU QUẢ, AN TOÀN, ÍT BIẾN CHỨNG

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện đề tài: “Nghiên cứu điều trị bệnh thoái hóa khớp gối bằng huyết tương giàu tiểu cầu phối hợp với ghép tế bào gốc trung mô từ mô mỡ tự thân” mặc dù trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, với những khó khăn về trang thiết bị, việc đi lại của bệnh nhân nhưng với tinh thần quyết tâm của Giám đốc Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh kiêm chủ nhiệm đề tài, cùng với sự nỗ lực của đội ngũ nghiên cứu và các nhà khoa học đề tài đã hoàn thành các mục tiêu: Tiếp nhận kỹ thuật tách tế bào gốc trung mô từ mô mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu trên bộ Kit ADI-25-01 ADIPOSE PRCEDURE PRAK và PRP, APC 30 PRP PRCEDURE PRAK của Hoa Kỳ.

Huyết tương giàu tiểu cầu được tách từ máu tự thân. Ảnh: PV

Dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên hãng thiết bị Y tế Terumo Nhận Bản, nhóm nghiên cứu đã thành lập nhóm thực hiện kỹ thuật lấy mỡ bụng. Nhóm nghiên cứu tiếp nhận và sử dụng các thiết bị của bộ kít lấy mỡ bụng: ADI-25-01 ADIPOSE PRCEDURE PRAK dùng để lấy tế bào gốc và PRP, APC 30 PRP PRCEDURE PRAK để lấy huyết tương giàu tiểu cầu. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã chủ động thực hiện được kỹ thuật lấy, tách chiết tế bào gốc từ mô mỡ bụng và chủ động sử dụng vận hành được máy tách tế bào gốc Harvest.

Lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh trực tiếp chỉ đạo tiêm hỗn hợp tế bào gốc và huyết tương giàu tiểu cầu vào khớp gối. Ảnh: PV

Quá trình triển khai, nhóm nghiên cứu đã tiến hành tiêm huyết tương giàu tiểu cầu trên 30 bệnh nhân, 26 nữ, 4 nam, tuổi trung bình 58,63 ± 11.11, thời gian mắc bệnh trung bình 5,3± 4,6 năm.

Nhóm nghiên cứu tiến hành theo dõi ngay sau tiêm, trong tuần đầu, sau 1 tháng, 3 tháng và 12 tháng. Kết quả cho thấy: Liệu pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu kết hợp với tế bào gốc trung mô từ mô mỡ tự thân là an toàn: Thể hiện qua 30 bệnh nhân - 60 khớp được tiêm có 45 khớp không đau, 4 khớp đau hết đi sau 6 giờ, 3 khớp hết đau sau 6-12 giờ, 2 khớp hết đau sau 12-24 giờ và chỉ có 6 khớp còn đau sau 24 giờ và hết đau sau vài ngày.

Không có bệnh nhân nào bị nhiễm trùng tại khớp và quanh khớp. Không có tai biến trong quá trình lấy mỡ bụng, không có hiện tượng chảy máu ra ngoài hay xuất huyết dưới da thứ phát.

Tiêm hỗn hợp tế bào gốc và huyết tương giàu tiểu cầu vào khớp gối. Ảnh: PV

Sau 12 tháng điều trị thang điểm đau VAS của khớp gối phải giảm từ 6.0 xuống còn 1.91; điểm VAS khớp gối trái giảm từ 6.34 xuống còn 2.25 sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Khả năng vận động của bệnh nhân tăng lên rõ rệt, đau giảm, dấu hiệu cứng khớp giảm đi. Độ dày sụn khớp trên cộng hưởng từ là chỉ số quan trọng để đánh giá kết quả điều trị và khả năng tái tạo sụn của tế bào gốc. Sau 12 tháng điều trị độ dày sụn ở các vị trí đều tăng có ý nghĩa. Kết quả sau 12 tháng điều trị có 96,3% bệnh nhân hài lòng và rất hài lòng với kết quả điều trị.

Quá trình triển khai đề tài đã làm chủ được kỹ thuật điều trị bệnh thoái hóa khớp gối bằng huyết tương giàu tiểu cầu phối hợp với ghép tế bào gốc trung mô từ mô mỡ tự thân tại Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh. Qua đó, khẳng định phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng huyết tương giàu tiểu cầu kết hợp với tế bào gốc trung mô từ mô mỡ tự thân có hiệu quả, an toàn và ít biến chứng.

Các bước để triển khai được kỹ thuật điều trị bệnh thoái hóa khớp gối bằng huyết tương giàu tiểu cầu phối hợp với ghép tế bào gốc trung mô từ mô mỡ tự thân tại Nghệ An:

Bước 1: Lựa chọn sàng lọc, khám lâm sàng đánh giá mức độ đau và vận động (30 bệnh nhân).

Bước 2: Bệnh nhân được chụp X-quang, làm siêu âm, công thức máu và các xét nghiệm cần thiết để đánh giá tổn thương và để loại trừ.

Bước 3: Chụp cộng hưởng từ để đánh giá tổn thương.

Bước 4: Lấy mỡ bụng tách chiết tế bào gốc trung mô từ mô mỡ bụng bằng Bộ kít ADI-25-01 ADIPOSE PRCEDURE PRAK của Hoa Kỳ.

Bước 5: Tách huyết tương giàu tiểu cầu. 

Bước 6: Trộn tế bào gốc và huyết tương giàu tiểu cầu.

Bước 7: Tiêm hỗn hợp huyết tương giàu tiểu cầu và tế bào gốc trung mô từ mô mỡ tự thân vào 2 khớp gối với thực hiện của bác sỹ Ngoại khoa hoặc chuyên khoa khớp.

Bước 8: Theo dõi bệnh nhân trong ngày đầu và tuần đầu.

Bước 9: Sau theo dõi 1 tuần không có tai biến thì cho bệnh nhân về nhà tiếp tục theo thõi sau 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng.