(Baonghean) - Kể từ vòng đấu 21, Ban tổ chức V.League sẽ mời một số trọng tài ngoại bắt chính một số trận đấu có sự góp mặt của các đội đang cạnh tranh ngôi vô địch và các đội chạy trốn suất xuống hạng. Lần đầu tiên ở V.League 2015, những “ông vua ngoại” sẽ xuất hiện trên sân cỏ để cầm cân nảy mực các trận đấu quan trọng của giải. Trước đó, ở mùa giải 2014, VFF cũng đã phải cầu viện các trọng tài Nhật bắt chính một số trận đấu quan trọng, nhờ sự có mặt của ông “vua áo đen” đến từ Nhật Bản mà VFF thoát khỏi một mùa giải đầy sóng gió.

Trọng tài phạt thẻ đỏ cầu thủ Hà Nội T&T trong trận gặp SLNA trên sân Vinh.

Với mặt bằng của bóng đá Việt Nam hiện nay thì trình độ chuyên môn của các trọng tài nội cũng đủ sức bắt các trận đấu nóng ở giai đoạn cuối mùa giải, nhưng các HLV, cầu thủ, thậm chí cả lãnh đạo các đội bóng đều cảm thấy an tâm hơn khi có trọng tài ngoại xuất hiện trên sân.  Theo Ban tổ chức lý giải thì mời trọng tài ngoại là an toàn nhất bởi họ không có “dây mơ rễ má” gì với các đội bóng Việt Nam nên khó có thể nghi ngờ họ thiên vị đội này, xử ép đội kia. Còn theo giới chuyên môn thì đây có thể xem là một phương án khả thi để tránh những dị nghị, tranh cãi về sự công bằng trong điều khiển các trận đấu mang tính sống còn với các đội bóng, bởi trọng tài ngoại thì khó bị các đội bóng nội “bắn thủng” bằng những “viên đạn bọc đường” và những mối quan hệ ngoài sân cỏ. 

Trọng tài là một phần không thể thiếu trong mỗi cuộc chơi và những sai sót của trọng tài là không thể tránh khỏi, ngay ở cả những giải đấu hàng đầu thế giới như Ngoại hạng Anh hay World Cup, thế nhưng sau hơn 12 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, năm nào ở V.League thì câu chuyện trọng tài cũng đưa ra bàn tán, tranh cãi gay gắt nhất. 

Xảy ra chuyện này là do các đội bóng do quá áp lực về thành tích nên cứ mỗi khi có kết quả bất lợi là việc đầu tiên họ nghĩ ngay đến trọng tài xử ép đội bóng của mình để trút hết trách nhiệm cho người cầm cân nảy mực. Còn khi được hưởng lợi về các nhận định của trọng tài thì họ xem đó là chuyện thường trong bóng đá. Trong lúc đó, Ban tổ chức lại thiếu kiên quyết trong việc xử lý các tình huống gây tranh cãi, và cũng thường thiên vị cho các trọng tài nên các CLB không “tâm phục khẩu phục”. Chuyện các CLB, đội bóng lo ngại về sự công tâm của trọng tài cũng có cơ sở, vì trước đây ở V.League cũng đã có nhiều vụ các ông vua áo đen “bẻ còi” một cái trắng trợn, gây ức chế cho HLV, cầu thủ, thậm chí vì bực bội với cách hành xử của trọng tài, ông bầu của đội bóng Hòa Phát Hà Nội đã nghỉ chơi, giải tán luôn đội bóng, mặc dù đã đầu tư rất lớn về công sức tiền của.

Có lẽ VFF cần đào tạo, chọn lựa đội ngũ “cầm cân nảy mực” đủ uy tín để điều hành các trận đấu ngay từ đầu mùa giải, khi xảy ra sai sót, khiếu kiện của các đội bóng liên quan đến công tác trọng tài thì xử lý một cách công tâm, đừng để xảy ra tình trạng “bụt chùa nhà mất thiêng”, cứ có tranh cãi, mang tiếng đến mình là lại đi cầu viện trọng tài ngoại.

Đức Dũng