(Baonghean.vn) - Lợi nhuận lớn khiến các đối tượng buôn bán người tổ chức nhiều chiêu thức tinh vi, dụ dỗ, lôi kéo phụ nữ và trẻ em vùng biên đưa sang Trung Quốc bán vào động mại dâm hoặc bán làm vợ.  

Với đặc điểm là một tỉnh có đường biên giới dài 419,5km giáp Lào, có 27 xã biên giới, hơn 50 vạn đồng bào dân tộc thiểu số, Nghệ An đang đối mặt với loại tội phạm buôn bán người. Lợi dụng nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân miền núi còn hạn chế nên nhiều đối tượng đã dụ dỗ, lôi kéo phụ nữ, trẻ em lừa bán sang biên giới.

images1513935_images1506870_a1.jpg2 đối tượng có hành vi mua bán người bị đưa ra xét xử tại huyện Quế Phong.

Từ năm 2011 – 2015, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện 65 vụ, 135 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người. Riêng năm 2015 phát hiện bắt giữ 20 vụ, 45 đối tượng liên quan đến mua bán người, giải cứu 29 nạn nhân. Cơ quan điều tra khởi tố điều tra 63 vụ, 132 bị can tham gia lừa bán 121 phụ nữ, trẻ em, hoàn tất hồ sơ chuyển VKS truy tố 67 vụ, 125 bị can. TAND các cấp đã thụ lý xét xử 56 vụ, 86 bị cáo liên đến tội phạm mua bán người.

Lý giải về tình trạng tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng, Thượng tá Hoàng Ngọc Mạnh – Phó trưởng Phòng phòng chống ma túy (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) cho biết: Các nạn nhân sau bị bị dụ dỗ sẽ được trả từ 20 đến 60 triệu đồng. Trong khi đó, với mỗi nạn nhân bị bán qua biên giới, sau khi trừ hết các chi phí đi lại, ăn ở và tiền “tạm ứng” cho các nạn nhân thì các đối tượng lãi đến 300 triệu đồng. Lợi nhuận khổng lồ khiến các đối tượng buôn bán người càng nghĩ ra nhiều chiêu thức nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

“Để củng cố lòng tin ở người bị hại và gia đình, các đối tượng một mặt dùng thư từ, ảnh giới thiệu những người đã làm ăn và trở nên giàu có, khá giả. Mặt khác bọn chúng sẵn sàng hào phóng ứng trước tiền tàu xe hay tiền lương cho nạn nhân… Trước những những thủ đoạn này, người bị hại bị lóa mắt trước viễn cảnh tương lai sáng sủa nên đã rơi vào cạm bẫy”, bà Trương Thị Tuyết Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết.

Đối tượng Lương Thị Yến bị lực lượng Biên phòng bắt giữ khi đang dẫn theo ba cô gái ra Móng Cái để bán sang Trung Quốc.

Tội phạm buôn người thường được các đối tượng thực hiện với chiêu bài các đối tượng thường sử dụng là tuyển dụng công nhân làm việc tại các công ty, tuyển nhân viên bán hàng, tuyển lao động nữ đi làm thuê hoặc rủ đi buôn bán với mức thù lao cao để lừa phỉnh phụ nữ nhẹ dạ sau đó bán sang bên kia biên giới. Đặc biệt, tội phạm mua bán người có sự góp mặt của chính một số nạn nhân đã từng bị bán.

Nạn nhân của tôi phạm buôn người chủ yếu là trẻ em và phụ nữ từ 14 đến 30 tuổi, hoặc phụ nữ đã “quá lứa lỡ thì”, số có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn; Số đua đòi ăn chơi; số em gái có tư tưởng thoát ly công việc làm lao động công nghiệp tại các khu công nghiệp… Địa bàn hoạt động của các đối tượng mua bán nguời thường là nông thôn, miền núi, nơi có trình độ dân trí thấp, người dân nhẹ dạ cả tin, kinh tế khó khăn, nhiều người thiếu việc làm. 

Ngô Hoàng

TIN LIÊN QUAN