(Baonghean) - Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Donald Trump và Hillary Clinton đã diễn ra nảy lửa với các vấn đề từ an ninh, kinh tế, môi trường, không chỉ của Mỹ mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Phần thể hiện tại phiên tranh luận là bước quan trọng cho các ứng cử viên hướng tới chức tổng thống Mỹ.

images1698039_a_nh_1.jpgToàn cảnh cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống. Ảnh: Guardian.

Khởi đầu chuỗi tranh luận

Cuộc tranh luận đầu tiên trong 3 lần đối đầu giữa Donald Trump và Hillary Clinton đã khép lại vào sáng 27/9 tại Đại học Hofstra, Long Island, New York. Diễn biến của cuộc tranh luận giữa một tỷ phú khoa trương và một cựu Ngoại trưởng gây ra sự chú ý lớn. Trước đó, theo khảo sát của ABC/Washington Post, khoảng 74% người Mỹ cho biết đã lên kế hoạch theo dõi trực tiếp buổi phát sóng.

Cuộc tranh luận được dẫn dắt bởi người dẫn chương trình Lester Holt - một nhân vật không mấy được lòng Trump khi bị tỷ phú cho rằng ông này là người ủng hộ đảng đối lập. Màn đối đầu gay cấn này có thể coi là một trong những bước ngoặt quan trọng, nhất là đặt trong bối cảnh trước cuộc tranh luận, ông Trump và bà Clinton được coi là cặp ứng cử viên tổng thống kém được yêu mến nhất trong lịch sử nước Mỹ. Có đến 55% dân Mỹ không có cái nhìn thiện cảm với đảng Dân chủ của bà Clinton và 58% tỏ ra không đồng thuận với đảng của ông Donald Trump. Do đó, đây là cơ hội cho 2 ứng cử viên lôi kéo thêm nhiều cử tri hơn nữa về phía mình.

Thực tế tình hình bầu cử năm 2016 khác với những năm trước, không chỉ bởi sự ủng hộ đối với hai ứng cử viên là kém nhất trong vòng 30 năm mà còn vì kết quả của các cuộc thăm dò nay lại ít ý nghĩa hơn. Chẳng hạn như vào chủ nhật vừa qua, kết quả của cuộc thăm dò được thực hiện bởi Economist và YouGov cho thấy Clinton dẫn trước 4%, tuy nhiên chỉ sau chưa đến 24 giờ, LA Times và USC lại cho ra kết quả Donald Trump dẫn trước 4%. Trước cuộc tranh luận 10 phút, HuffPost đã cho ra kết quả khảo sát tỷ lệ ủng hộ với Clinton đạt 47,7% và 44,2% cho Trump.

Cuộc tranh luận kéo dài 90 phút, chia làm 6 phần, mỗi phần bắt đầu với một câu hỏi và 2 phút trả lời cho mỗi ứng viên. Cuộc tranh luận được người dẫn chương trình Holt chia làm 3 chủ đề: “Định hướng của nước Mỹ”, “Làm sao đạt được sự thịnh vượng” và “An ninh cho nước Mỹ”.

Khán giả Mỹ chăm chú theo dõi màn 'so găng' giữa 2 đối thủ đến từ 2 chính đảng. Ảnh: Reuters.

Đối thoại và đối đầu

Mở đầu cuộc tranh luận là vấn đề kinh tế và việc làm. Ông Trump cho rằng nước Mỹ đang mất dần công ăn việc làm vào tay các nước khác như Trung Quốc hay Mexico và chính sách giảm thuế sẽ giúp giữ chân các công ty đồng thời tạo thêm việc làm. Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm này, bà Clinton cho rằng chính chính sách cắt giảm thuế trên phố Wall đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế còn ông Trump là một trong những người gây ra cuộc khủng hoảng nhà đất. Bà Clinton cũng trích dẫn một nghiên cứu trung lập cho thấy chính sách của ông Trump sẽ tạo ra một khoản nợ 5.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

Bà Clinton còn chỉ ra một báo cáo từ Moody’s Analytics cho thấy nền kinh tế của quốc gia có thể tăng 10 triệu việc làm từ kế hoạch của mình trong khi ông Trump có thể mất 3,4 triệu. Tuy nhiên, trên thực tế các số liệu về việc làm này là chưa đầy đủ, khi mà báo cáo còn kết luận rằng nền kinh tế Mỹ sẽ có thêm 7,2 triệu việc làm mà không cần bà Clinton thực hiện bất cứ biện pháp nào.

Bên cạnh đó, ông Trump còn chỉ trích các hiệp định thương mại như NAFTA là điều tồi tệ và chỉ trích bà Clinton từng tuyên bố hiệp định TPP là tiêu chuẩn vàng mặc dù gần đây bà lại lên tiếng phản đối hiệp định. Ngay lập tức bà Clinton đã có những phản bác khi cho rằng những tuyên bố được nói ra lúc bà còn là ngoại trưởng và đó chỉ là hy vọng ban đầu.

Về vấn đề chống khủng bố, bà Clinton cho rằng đối thủ Trump đã ủng hộ quân đội Mỹ can thiệp vào Iraq cũng như Libya. Tuy nhiên, ngay lập tức ông Trump đã phủ nhận điều này và cho rằng ý tưởng về việc ông ủng hộ cuộc xâm lược của Mỹ là do các phương tiện truyền thông dựng lên. Đổi lại, ông Donald Trump cho rằng đương kim Tổng thống Barack Obama và cựu Ngoại trưởng Clinton đã tạo điều kiện cho Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mạnh lên khi đã phớt lờ nó ở giai đoạn mới hình thành sau cuộc xâm lược Iraq. Thực tế thì nhóm khủng bố này thành lập từ khi ông George W. Bush còn là Tổng thống và nổi lên mạnh mẽ vào năm 2014 sau khi bà Clinton rời nhiệm sở.

Với vấn đề an ninh, ông Trump lấy ví dụ về quê hương của mình là New York khi cho rằng tỷ lệ tội phạm của thành phố này đang tăng lên. Mặc khác, bà Clinton lại cho rằng mọi việc đang ổn thoải dưới thời thống đốc mới.

Trên thực tế, theo số liệu của Sở cảnh sát New York, số vụ giết người năm 2016 đã giảm so với năm 2015 là 4,3% và hy vọng đây sẽ là năm an toàn nhất về ghi nhận tỷ lệ tội phạm. Tuy nhiên, có lẽ điều khiến ông Trump nghĩ rằng tỷ lệ tội phạm tăng là do báo cáo hàng năm của FBI đã cho thấy sự gia tăng số vụ giết người trên phạm vi toàn quốc.

Ông Trump và bà Clinton bắt tay nhau sau buổi tranh luận nảy lửa. Ảnh: Reuters.

Còn lắm bất ngờ…

Ngoài những vấn đề trên, còn rất nhiều vấn đề khác mà cả hai bên đã nêu trong suốt buổi tranh luận và dường như các lập luận của bà Clinton có phần thuyết phục hơn. Theo khảo sát của CNBC thực hiện ngay sau cuộc đấu khẩu, có 55% trong tổng số 157.000 người đã cho rằng bà Clinton là người thắng cuộc.

Tuy nhiên, để biết cuộc tranh luận có ảnh hưởng thực sự đến kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử hay không vẫn còn phải chờ theo dõi tiếp cả một chặng đường dài. Bởi những diễn biến trong bầu cử Mỹ nhiều khi rất bất ngờ và khó đoán. Đơn cử như hồi năm 2004 và 2012, khi đối thủ được xem là đã thắng trong các cuộc tranh luận, thì 2 ứng cử viên Bush và Obama vẫn giành chiến thắng ở cuộc bầu cử cuối cùng.

Phan Vũ

TIN LIÊN QUAN