(Baonghean.vn) - Việc bún “bẩn” xuất hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thời gian qua đã gây hoang mang trong dư luận. Tại tỉnh Nghệ An ít nhiều đã có sự hồ nghi của người tiêu dùng về loại thực phẩm gần gũi và thiết yếu này. Bà con tiểu thương cũng như các cơ sở sản xuất bún tươi trên địa bàn thành phố Vinh đang mong ngành chức năng sớm có đợt thanh kiểm tra cho rõ trắng- đen.
“Giả sử tui muốn bỏ chất phát sáng tẩy trắng ấy vô cũng không biết mua ở đâu, tại sao cơ quan vệ sinh thực phẩm chưa đi kiểm tra nhỉ?”
Đó là nỗi bức xúc của anh Đời - chủ cơ sở sản xuất bún tại Vinh Tân. Tại đây mỗi ngày cơ sở của anh xuất ra hàng chục tạ bún, sản phẩm có mặt khắp nơi tại các chợ lớn như chợ Vinh, chợ Quán Lau, các nhà hàng, quán ăn, thậm chí tại các địa bàn lân cận như: Cửa Lò, Hưng Nguyên, Nghi Lộc. Theo anh, trước đây có một vài cơ sở sản xuất bún nhỏ lẻ cũng có dùng các chất phụ gia như hàn the, nhưng cơ sở của anh thì không sử dụng vì đó là chất quốc cấm trong ATVSTP.
Cơ sở sản xuất bún nhà ông Đời tại phường Vinh Tân
“Để làm ra sản phẩm bún tươi xịn thì phải dùng loại gạo không mới quá mà cũng không cũ. Và nếu ngâm lâu từ 2 ngày trở lên thì nó đen hơn nhưng có độ dai tự nhiên và bún để được lâu hơn. Còn nếu ngâm bột nhanh độ một ngày thì nó sẽ trắng hơn nhưng không ngon, sợi bết và không dai nếu người làm bún không cho hàn the”.
Cũng là một cơ sở sản xuất bún có tiếng, cơ sở bún Hà Oanh trên đường Hà Huy Tập được dân tình truyền tai “rất uy tín”. Chị Oanh cho biết: “Tui làm nghề này đã hơn 10 năm nay nhưng chưa lúc nào phải theo người khác để sử dụng chất phụ gia kể cả hàn the, chính vì thế mà khách họ thích ăn bún của nhà tui vì vẫn còn vị chua chua, nồng nồng của bột gạo ngâm và có độ dai vừa phải, sợi bún khô. Dân ta giờ sành ăn lắm, khi chưa có thông tin về chất tẩy trắng đã thấy mọi người thích ăn bún có màu sẫm mà dân hay gọi là bún Làng Thượng”.
Bột đã được ngâm sủi bọt và hệ thống nồi hơi ở cơ sở sản xuất bún Hà Oanh trên đường Hà Huy Tập
Chị cho biết chị nhập loại gạo lài sữa, và tuyệt đối không sử dụng gạo có chứa chất chống mốc, vì chị lấy ở “đại lý người nhà”. Khi tôi xin được chứng kiến quy trình làm bún để học việc về mở cơ sở sản xuất chị bật mí: Quá trình ngâm gạo khoảng 2 ngày khi nào bốc nắm gạo xát vào tay thấy mủn thì cho chạy máy xay, lại ngâm thêm 2 ngày cho bột gạo lên men chua sủi bọt thì cho vào máy hơi vừa chạy vừa rưới nước để lọc bột. Bây giờ đã có máy vắt chứ ngày xưa vắt bằng tay sợi bún không đẹp lại mất nhiều công sức. Chị mới sắm dây chuyền nồi hơi này với giá 30 triệu đồng, cộng với tiền phi nhựa đựng bột khoảng 5 triệu nữa. Chị nói nếu muốn chứng kiến quá trình sản xuất thì 2h chiều quay lại.
Thế nhưng 2h chiều quay lại thì nhận được những cái nhìn hồ nghi của chồng chị: “o đến điều tra à, đây là sinh kế của bầy tui không thể tùy tiện cho người lạ vào xem được. Thôi nói các ông vệ sinh thực phẩm đến đây mà xem xét!”
Trước đây, đa số người dân vẫn tin rằng bún có màu trắng, trong, sợi nhỏ, dai và vẫn ngửi có mùi thơm là bún sạch. Và ở chợ Vinh có 12 hàng bún nhưng chỉ có khoảng 3,4 hàng bún có màu trắng ngà trong đó có quầy bún của nhà ông Đời do chị Hải con gái ông đứng bán. Thế nhưng những ngày gần đây, lượng bún trắng, trong tại chợ Vinh giảm hẳn chỉ còn lại vài ba quầy, và lượng khách mua loại bún này cũng giảm. Khi tiếp xúc với chị bán bún trắng và tỏ ý nghi ngờ về độ trắng của bún, chị nói: “Không mua thì thôi, dân ta cứ thấy đài nói là a dua theo, chúng tôi làm bún hàng chục năm, mỗi khi có cơ quan vệ sinh thực phẩm đi kiểm tra đều được khen cả, thế mà mấy ngày nay tự dưng thấy khách hàng có vẻ không thích bún nhà tui. Gạo trắng chất lượng cao thì bún trắng thôi.”
Tại cơ sở sản xuất bún Khánh Nhung phường Cửa Nam sau khi được nhập sỷ cho các chợ lân cận thì bún được giữ lại tại nhà khoảng 2 yến để bán cho khách quen.
Chị Hương một tiểu thương kinh doanh bún đã nhiều năm nay tại chợ Quang Trung luôn có 2 rổ bún khác nhau về màu sắc, được chị giới thiệu: “gạo trắng, ngon thì bún trắng và gạo kém hơn thì bún ngả màu”. Nhưng dường như nắm bắt được thông tin, nay chị lại giới thiệu: “Chọn loại bún sợi to, có màu trắng ngà như thế này mới là bún xịn này, còn bún trắng phau bữa trước dì lấy của nhà khác, thấy báo đài nói dì thấy sợ sợ không lấy nữa”.
Khi tôi ngỏ ý muốn đến chỗ sản xuất bún trắng mà chị đã từng lấy, chị cảnh giác: “Thôi đến làm gì, nếu có bỏ hóa chất giờ họ cũng không bỏ nữa mô, báo đài nói suốt thế kia dân họ không muốn ăn bún trắng nữa.” Khảo sát tại các chợ Quang Trung, Hưng Dũng, Quán Lau, Đội Cung đều không thấy có loại bún trắng trong và rất dai như trước đây. Và người bán cũng thay đổi cách giải thích đối với khách hàng khi muốn quảng cáo cho hàng bún của mình.
Hiện nay tại các chợ bán lẻ trên địa bàn thành phố các hàng bún tươi vẫn không bị sút giảm doanh thu so với trước đây là mấy với 7.000 - 8.000 đồng/kg, một tiểu thương tại chợ Quang Trung trung bình mỗi ngày vẫn bán hết khoảng 7 yến bún. Việc các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố có sử dụng các chất phụ gia độc hại hay không còn chờ các cơ quan chức năng vào cuộc.