Thông tin về vụ đánh chặn được hãng thông tấn HAMA của Syria dẫn nguồn tin quân sự địa phương cho biết, hàng loạt đốm sáng và tiếng nổ lớn trên không gần sân bay quốc tế Damascus khi chiến đấu cơ phóng tên lửa tấn công gần khu vực này.
Nhưng hiện chưa rõ có bao nhiêu tên lửa của Israel bị đánh chặn cũng như thiệt hại dưới mặt đất từ vụ tấn công này.
Mặc dù vậy, hiện Israel vẫn giữ thái độ im lặng trước tuyên bố được thông tấn Syria đăng tải.
Được biết, vụ tấn công vào đêm 15/9 là lần thứ 2 trong tháng này, Không quân Israel thực hiện không kích mục tiêu trong lãnh thổ Syria vào ban đêm.
Tel Aviv đã tấn công nhiều mục tiêu quanh sân bay quốc tế Damascus, khiến lực lượng phòng không Syria phải căng mình đối phó.
Và lập công lớn trong trận không kích đêm 15/9 chính là hệ thống phòng không Buk-M2 sau khi chúng được Nga âm thầm nâng cấp và chuyển giao cho Syria vận hành.
Al-Masdar News cho biết, ngay khi tín hiệu radar cảnh báo có tên lửa tấn công đang lao đến, toàn bộ lưới lửa phòng không trong khu vực đã báo động và sẵn sàng nhả đạn khi mục tiêu bị khóa sau đó không lâu.
Không rõ số đạn tên lửa chiến đấu cơ Israel sử dụng nhưng chỉ có 3 quả đạn đánh chặn của hệ thống Buk-M2 được phóng đi và kết quả thu được ngoài mong đợi khi có tới 2 quả tên lửa bị đánh chặn.
Được biết, trước khi chặn đứng đòn tấn công lần này, hồi cuối năm 2017, cũng chính hệ thống Buk-M2 này đã khiến không quân Israel choáng váng khi đánh chặn thành công 4 trong tổng cộng 5 quả tên lửa nặng tới 1,36 tấn/quả tấn công vào sân bay quốc tế Damascus.
Ngay sau vụ đánh chặn xảy ra nhiều mảnh tên lửa bị đánh chặn rơi rải rác khắp khu vực al Keshwah gần thị trấn al Zariqiyeh, ngoại ô thủ đô Damascus. Loại tên lửa bị đánh chặn sau đó được xác định là Popeye được Israel sản xuất trên cơ sở tên lửa không đối đất tầm trung AGM-142 Raptor của Mỹ.
Theo nhà sản xuất Nga, không phải ngẫu nhiên Buk-M2 lại có thể dễ dàng diệt gọn những mục tiêu khó đánh chặn này, bởi Buk-M2 được thiết kế để đánh chặn hầu hết mục tiêu khí động, bao gồm cả tên lửa đạn đạo.
Tổ hợp trang bị đạn tên lửa đạt tầm bắn 3 - 50 km, độ cao hạ mục tiêu 10 m tới 25 km, có thể đánh hạ 24 mục tiêu cùng lúc.
Để có thể hoàn thành được nhiệm vụ trên, hệ thống Buk-M2 được thiết kế với radar tìm kiếm mục tiêu và radar điều khiển hỏa lực đều được trang bị antena mạng pha hoạt động theo từng giai đoạn, bộ vi xử lý, máy tính điều khiển kỹ thuật số giúp Buk-M có hiệu suất chiến đấu rất cao.
Cụ thể, xác suất tiêu diệt tiêm kích F-15 từ 90 - 95 %, tên lửa hành trình tấn công mặt đất từ 70 - 80 %, tên lửa đạn đạo từ 60 - 70 %, trực thăng, UAV trên 90 %. Tuy nhiên, trong thực tế chiến đấu, tỷ lệ đánh chặn thành công mục tiêu của Buk-M2 còn cao hơn nhiều.