Từ thế đất xứ Nghệ
"Nghệ An ký" được đánh giá là công trình có giá trị về nhiều mặt, nhất là mặt địa lý, lịch sử và văn hóa. Bộ sách vừa được NXB Khoa học Xã hội tái bản, theo bản dịch của dịch giả Nguyễn Thị Thảo, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm (trước đó, năm 2004, NXB Thế giới đã in một bản).
Bộ "Nghệ An ký" được cho là làm lúc Bùi Dương Lịch đang giữ chức Đốc học Nghệ An (từ 1805-1813). Ông là người đã đi du lãm khắp nơi trong xứ Nghệ, nên biết nhiều và hiểu sâu về mảnh đất này.
Bùi Dương Lịch là danh sĩ hiếm hoi được cả ba triều đại nối tiếp nhau là Lê trung hưng, Tây Sơn và Nguyễn coi trọng, bổ làm quan. Ông thi đỗ Hương cống năm 1774, sau đó đỗ Hoàng giáp năm 1787 dưới triều Lê. Từng làm quan ở cả hai kinh thành Thăng Long dưới thời vua Lê và Phú Xuân dưới triều Nguyễn, rồi nhậm chức ở cả quê nhà Nghệ An, nên ông có đủ kiến thức và kinh nghiệm để phân tích về tính cách người các xứ.
Bộ sách được biên soạn công phu gồm 3 phần lớn, trong đó phần Thiên chí - nói về thiên văn và khí tượng vùng đất Nghệ Tĩnh (gồm cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện nay) và Việt Nam nói chung, Địa chí - nói về địa lý hình thể của đất Nghệ Tĩnh, Nhân chí - nói về đặc điểm tính cách và các nhân vật nổi bật của đất Nghệ Tĩnh.
Ở phần Địa chí, bộ sách mô tả chi tiết các đặc điểm địa lý của xứ Nghệ thời xưa, từ cương vực, mạch đất, các ngọn núi, đảo (kể cả gò), các con sông, hồ, cửa biển...
Ông nhận xét chung về đặc điểm địa lý của đất Nghệ An: "Xứ Nghệ An gần núi giáp biển, đất đai sỏi sạn, cằn cỗi, lại không có mấy nơi bằng phẳng rộng rãi. Cho nên dân sự thường phải ăn đong gạo xứ Sơn Nam đem đến bán. Chỉ có các huyện Nam Đường, Thanh Chương và Hưng Nguyên ở các bãi ven sông thường trồng ngô để bổ cứu sự thiếu hụt đó, những huyện Thạch Hà, Nghi Xuân và Chân Phúc nhiều đất xốp thường dành một nửa trồng các loại khoai để ăn độn. Còn các huyện khác thì đều lấy những sản vật lặt vặt, nghề vặt và buồn bán trao đổi kiếm ăn, nhưng nghề thủ công cũng rất thô sơ vụng về".
Đến con người xứ Nghệ
Từ thế đất, Bùi Dương Lịch nhận xét về con người: "Vùng có mạch từ Quỳ Châu chạy đến, núi hùng vĩ, sông chảy trì trệ, nên con người phần nhiều hào hùng, dũng cảm", và "huyện Đông Thành và huyện Nam Đường, võ nhân đã nhiều, mà khí chất cũng thiên về hào hùng, dũng cảm".
Bùi Dương Lịch đưa ra một số tổng kết về khí chất của văn sĩ người Nghệ An như sau: "Văn chương người Nghệ An phần nhiều mạnh mà cứng cỏi, ít bóng bẩy. Trong số 28 ngôi sao của hội Tao Đàn thời Hồng Đức, Nghệ An không có một người nào. Thời bấy giờ có Tham chính Phạm Thúc Cẩn người huyện La Sơn và Thượng thư Đặng Minh Bích người huyện Nam Đường đều có tiếng thơ hay mà không được dự, là bởi thế".
Theo Hoàng giáp họ Bùi, nhờ xứ Nghệ nhiều người học hành thi cử, họ lại thường đem công việc tục lệ bàn thảo với dân làng, nên lễ nghĩa liêm sỉ địa phương trông vào đó trở nên tốt.
Về quan lại, Bùi Dương Lịch khen các quan gốc Nghệ An: "Lấy danh tiết làm trọng. Nếu có kẻ nào quen thói mua rẻ bán đắt, tranh lợi với dân thì bị dư luận đương thời khinh bỉ, suốt đời không thể ngóc lên được. Kẻ sĩ phu chưa được hiển đạt, cũng đều lấy sự luồn lọt nhờ vả cửa quyền góp lượm của cải làm điều hổ thẹn".
Trong khi đó, về vũ dũng, ông đánh giá: "Binh lính Nghệ An ngày xưa gọi là thắng binh, khéo dùng thì đủ trở nên vô địch trong thiên hạ. Không phải họ dũng mãnh quả cảm hơn người mà chỉ vì họ quen cần cù gian khổ, sợ lễ tục luật pháp, thân với người trên và liều chết vì bậc trưởng".
Bùi Dương Lịch cũng thẳng thắn nhận xét về những "tính xấu" mà dân tứ xứ chê dân xứ Nghệ: "Nghệ An đất xấu dân nghèo thua xa tứ trấn, nhưng phong tục sở dĩ thuần hậu chính vì như thế. Người các trấn thường cười là hủ lậu, người dân không chịu điều nhỏ mọn, tâm ở yên, bởi sự tiết kiệm, người các trấn khinh là keo kiệt".
Giữ nguyên nề nếp đến ngày nay
Trải qua trên hai trăm năm, dù bao vật đổi sao dời, nhưng nhiều nét tính cách người xứ Nghệ như mô tả của Bùi Dương Lịch vẫn còn được giữ đến ngày hôm nay.
GS. Vũ Ngọc Khánh một người con của vùng đất Nghi Xuân, khi phân tích về tính cách người Nghệ Tĩnh, đã có những nhận xét không khác xa với tác giả "Nghệ An ký": "Người Nghệ do hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, đời sống kinh tế nghèo khổ nên trong cuộc sống luôn thể hiện phẩm chất kiên cường, chấp nhận và khắc phục hoàn cảnh với ý chí và quyết tâm cao, thể hiện một tinh thần vươn lên không biết mệt mỏi. Họ chịu khó học hành, ham học hỏi, hiếu học, cầu học và có ý chí thành danh bằng con đường học vấn".
GS. Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, người lớn lên từ mảnh đất Hương Sơn, cho rằng: "Anh đồ Nghệ với hình ảnh con cá gỗ cũng là biểu hiện cho tinh thần hiếu học, cũng là biểu hiện của tính gàn. Tính gàn không phải là một cái gì đó xấu xa, nó là một cá tính đặc trưng của người Nghệ, đó là cái ngông của kẻ sĩ, của người có học. Người Nghệ ngông, gàn nhưng lại được nhiều người quý mến vì họ cũng là người sống thẳng thắn, khẳng khái và nhiều khi cũng hào phóng, không hay tính toán lợi ích cho bản thân".
Đúc kết lại, GS. Phong Lê nhận xét: "Đặc trưng nhất của người Nghệ là hiếu học, là gàn, là ngông, dựa trên nền tảng tài năng và tử tế".
Và khác với thời các triều Lê, Nguyễn, thời nay, Nghệ An xuất hiện nhiều nhà thơ được cả nước biết tên, như Trần Hữu Thung, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Trọng Tạo, Thạch Quỳ, Lê Huy Mậu...
Về quân đội, dù người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đều mang chung những phẩm chất quý giá của anh bộ đội Cụ Hồ, thì người lính quê Nghệ An vẫn nổi tiếng bởi tinh thần đoàn kết, vượt khó, trung thành và dũng cảm. Cũng như trong lịch sử, đất Nghệ An ngày nay sản sinh ra nhiều vị tướng tài, như Chu Huy Mân, Hoàng Đan, Lê Thiết Hùng, Nam Phong, Nguyễn Quốc Thước... Các vị tướng quê xứ lĩnh Nghệ luôn thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần dũng cảm, trung thành tuyệt đối và đặc biệt, luôn thể hiện tinh thần ham học, học mọi lúc, mọi nơi có thể.
Đánh giá chung về tính cách người Nghệ, học giả Đặng Thai Mai, người con quê Thanh Chương, đã có câu nói nổi tiếng: "Can đảm đến sơ xuất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến "cá gỗ"".
Tằn tiện, tiết kiệm, "cá gỗ", tuy vẫn bị người tứ xứ chê cười, nhưng đã là nét tính cách từ bao đời cả người dân xứ Nghệ. Đó cũng là điều mà Hoàng giáp Bùi Dương Lịch tự hào khi viết trong "Nghệ An ký": "Phong tục thuần hậu chưa từng bị gián đoạn bao giờ".