Đó là nhận định của ông Vũ Mão - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về bức thư của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi các bộ, ngành, địa phương mới đây.
Thủ tướng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2019 đã đề ra.
Không thể thỏa mãn
Theo ông Vũ Mão, trong công tác chỉ đạo điều hành, việc đôn đốc, nhắc nhở và quan tâm, chỉ đạo với nhiều hình thức khác nhau là rất cần thiết. Bức thư lần này của Thủ tướng được gửi đi trong bối cảnh chúng ta đã đi được gần nửa chặng đường năm 2019, đạt được một số thành tựu, một số kết quả, nhưng những khó khăn, vướng mắc còn rất nhiều. Chính vì vậy, việc đôn đốc trước hết là để mọi cán bộ, công chức luôn nhớ rằng không thể thỏa mãn với những kết quả đã đạt được.
Lá thư đề cập toàn diện nhiều vấn đề, nhưng yêu cầu chú trọng 6 nội dung chính và đặc biệt chú trọng lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực mấu chốt, nền tảng, sống còn của đất nước. Trong thư có nhắc tới vấn đề tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, phải có sản xuất tốt mới phát triển được. Đó là mục tiêu hàng đầu và cũng là ý đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ý thứ hai là lĩnh vực thị trường. “Chúng ta thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó còn nhiều vấn đề chưa thực sự rõ, vì vậy phải tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi, bổ sung bằng những chủ trương, chính sách, pháp luật để thực hiện tốt hơn, đặc biệt trong điều kiện hội nhập quốc tế”, ông Vũ Mão phân tích.
Vấn đề thứ ba là về đầu tư, đây là mảng rất quan trọng, là nền tảng để xây dựng cơ sở vật chất cho đất nước tiếp tục tiến lên. Đầu tư của chúng ta hiện nay năng động, đa dạng, không chỉ có đầu tư của nhà nước như trước đây. Nhưng vẫn không khỏi tránh những khó khăn, trở ngại như giải ngân đầu tư công còn chậm, có những mặt mà chúng ta chưa lường hết, chưa có kinh nghiệm.
Theo ông Vũ Mão, chúng ta phải có thêm chính sách tốt hơn nữa để thúc đẩy đầu tư tư nhân. Chúng ta cũng phải kiểm soát chặt các doanh nghiệp có ý định đầu tư bằng bất cứ giá nào, bởi có thể sẽ để lại hậu quả rất lớn như gây ô nhiễm môi trường.
“Các lĩnh vực về tiền tệ, ngân hàng có không ít vấn đề, trong đó có tín dụng đen không chỉ là vấn đề kinh tế và xã hội. Trong thư, Thủ tướng cũng đã nhắc nhở việc này”, ông Vũ Mão nhận xét.
Thủ tướng cũng đề cập đến những vấn đề thời sự như dịch tả lợn châu Phi... đòi hỏi công tác chỉ đạo thiết thực hơn, cụ thể hơn từ các bộ, ngành, địa phương.
Không lơ là những vấn đề xã hội bức xúc
Ông Vũ Mão cho rằng những vấn đề được đề cập đến trong thư gửi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương là khá toàn diện, cần thiết, kịp thời, thể hiện phong cách quyết liệt của Thủ tướng.
Cùng với đó, kể cả những vấn đề mà Thủ tướng không trực tiếp đề cập về xã hội, lao động, việc làm, giáo dục, y tế… cũng không được lơ là, không phải thư không đề cập đến thì không làm, lơ là.
Các ngành, các địa phương phải chấp hành nghiêm chỉnh, phải chủ động, nghiêm túc rà soát lại những công việc mình làm được và chưa làm được, nhất là những việc chưa làm được khiến người dân có ý kiến. Ví dụ như ngành Công Thương có một số vấn đề phải nghiêm chỉnh xem xét, khắc phục. Nếu dân có ý kiến phải có thái độ tiếp thu tốt, sâu sát.
“Bây giờ nghe dân là rất quan trọng. Thường lâu nay tư duy của chúng ta là tư duy của cấp trên, của những người lãnh đạo. Nhưng bây giờ phải đổi mới, phải lắng nghe dân, tiếp thu để làm tốt hơn việc của mình. Vừa qua, những ngành này, ngành kia bị kêu ca cũng chính là bởi không lắng nghe hết ý kiến của dân. Chúng ta phải xử lý những trường hợp đó một cách mạnh mẽ, nghiêm túc”, ông Vũ Mão bày tỏ.
“Lâu nay có câu “trên bảo, dưới không nghe”. Như dịch tả lợn châu Phi vừa qua, Thủ tướng nói phải coi như đánh giặc, trận chiến này rất quyết liệt, nhưng lắng đi một thời gian thì có nơi lại xao nhãng. Có trường hợp lợn chết trôi sông từ địa phương này sang địa phương khác, thể hiện sự vô trách nhiệm trong chỉ đạo từ các địa phương. Những vụ việc tại địa phương mình thì lãnh đạo phải xuống tận nơi giải quyết chứ không phải ngồi trên chỉ đạo chung chung”, ông Vũ Mão đưa ra ý kiến.
Vướng mắc phải phát hiện từ cơ sở
Theo ông Vũ Mão, bức thư của Thủ tướng đã đánh đi tín hiệu phải đổi mới phong cách làm việc. Các bộ, ngành, địa phương phải có phong cách làm việc mới sâu sát hơn, nhất là trong bối cảnh chúng ta kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ rất gần dân, sát dân, nhưng không ít lãnh đạo địa phương còn ít gần dân, đó là vấn đề cần nhắc nhở.
Các bộ, ngành, địa phương phải sâu sát vào công việc, những việc chưa giải quyết được, những vướng mắc, khó khăn phải tìm được nguyên nhân, tại cơ sở hay do sự chỉ đạo của mình, hay vướng mắc do những vấn đề về thủ tục, chế độ chính sách, pháp luật...
“Có những nơi, việc này việc khác, dân và doanh nghiệp không thực hiện được vì văn bản của chúng ta, thông tư của các bộ, ngành cản trở, vướng mắc. Chúng ta phải phát hiện và khắc phục. Lâu nay tôi thấy lãnh đạo các địa phương ít quan tâm đến vấn đề pháp luật, những vướng mắc chỉ phản ánh một cách chung chung mà không phản ánh được chiều sâu. Những vướng mắc phải được phát hiện chính từ cơ sở”, ông Vũ Mão chỉ ra.
Theo ông Vũ Mão, nhân thư Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên hơn trong báo cáo những việc nóng bỏng, thời sự, những việc lòng dân chưa yên, nêu rõ nguyên nhân vì sao, cách khắc phục thế nào.
Ông Vũ Mão cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa, đôn đốc thường xuyên hơn nữa. Bức thư thể hiện sự đột phá về tư duy, phương thức chỉ đạo, lãnh đạo nhưng quan trọng hơn là cả hệ thống phải chuyển động, hành động cụ thể, thiết thực, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu để đất nước phát triển nhanh và bền vững trong những giai đoạn tới.