(Baonghean) - Giá rau quả quá rẻ nên nông dân tại một số vùng chuyên canh rau trên địa bàn Nghệ An bỏ mặc không thu hoạch, để lụi tại ruộng hoặc làm... phân bón. Thực tế này đặt ra cho các địa phương cần phải có sự tính toán trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt.

   Người trồng rau không muốn thu hoạch. Ảnh: Lê Nhung

Hiện nay trên địa bàn Nghệ An, nhiều loại rau rớt giá mạnh, nông dân phải nhổ bỏ su hào, bắp cải... vì bán không đủ công thu hoạch. Nhất là tại các huyện như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nam Đàn... nông dân có khi bán cả một tạ rau mà vẫn chưa mua nổi cân thịt.

 Rau quả thành phân bón

Thời điểm này, giá rau xuống quá thấp, bà con không tiêu thụ được, đành  bỏ mặc không thu hoạch, để rau lụi nát giữa ruộng, chờ sản xuất vụ khác. Những vùng có diện tích sản xuất rau lớn của huyện Quỳnh Lưu như Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, tình cảnh người trồng rau hiện rất khó khăn.

Các loại rau cải, su hào, cải bắp được đem cho nhưng không ai lấy, nhiều nhà nhổ phá để làm phân xanh. Ông Hồ Đức Nhật - Trưởng xóm 1, xã Quỳnh Lương cho biết: “Tất cả các loại rau đều đại hạ giá, rẻ như cho với 1.000 đồng/củ su hào, bắp cải, 2.000 đồng/kg hành… trong khi năm trước giá 15.000 đồng/kg hành và 6.000 - 8.000 đồng/bắp cải”. 

Ở huyện Nam Đàn cũng vậy, nhiều ruộng rau bị bỏ mặc không chăm sóc khiến cho rau khô héo và mục nát. Chị Phùng Thị Hường ở xóm 9, xã Xuân Hòa (Nam Đàn) nói: Nghề trồng rau đã gắn liền với gia đình nhiều năm nay, trở thành thu nhập chính nhưng chưa năm nào rau bị bỏ phí như thế này.

Một phần cũng vì điều kiện khí hậu thuận lợi, ấm áp nên rau được mùa dẫn đến dư thừa “cục bộ”. Bà con chẳng muốn thu hoạch nữa, vì đậu từ 10.000 -15.000 đồng/kg nay chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg. Riêng bắp cải chỉ còn 1.500 đồng/kg. Nhiều nhà nhổ đưa về cho bò ăn để lấy đất trồng các loại cây khác có thu nhập cao hơn”. 

Được biết, xã Xuân Hòa là một trong những xã có diện tích trồng rau lớn nhất toàn huyện  Nam Đàn với 170 ha rau, mỗi năm đạt doanh thu hàng tỷ đồng từ các sản phẩm rau xanh. Nhưng năm nay, lượng rau trồng được nhiều nhưng không tiêu thụ được, vì nguồn cung dồi dào nên rau trượt giá khiến hàng loạt ruộng rau, quả thất thu.

Những nét mặt lo âu khi bắp cải không bán được giá. Ảnh tư liệu

Bức thiết giải pháp đầu ra 

Do rau xanh rớt giá, nhiều hộ phá bỏ để trồng lạc, trồng mướp xoay vòng chuẩn bị cho mùa sắp tới, cố gắng cải thiện thu nhập. Ông Nguyễn Ngọc An ở xóm 4, Nam Anh (Nam Đàn) cho biết: “Từ tháng 10 chúng tôi đã rất vui vì thời tiết thuận lợi, rau được mùa nên dày công chăm bón.

Bỏ ra cả chục triệu đồng để mua phân bón và công chăm sóc, nhưng đến thời điểm này gần như mất trắng. Đành phải cày cuốc số bắp cải còn lại mang về cho bò ăn, lấy đất trồng các loại giống cây mới. Chỉ mong rằng trồng loại giống mới có thu nhập, để cho nông dân đỡ khổ”.

Thời điểm này, bà con nhiều địa phương đang chuẩn bị trồng các loại cây mới nhằm phù hợp đất đai cũng như tiểu vùng khí hậu. Chị Nguyễn Thị Tứ ở xã Xuân Hòa (Nam Đàn) cho hay, gia đình chị đang thực hiện chuyển sang trồng cây khác trên diện tích trồng rau xanh và nói thêm: “Nhà tôi kịp thời chuyển sang trồng mướp ngọt, cà chua, lạc… Người trồng rau chúng tôi thực sự cần có doanh nghiệp phối hợp để sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập…”.

Nhiều hộ gia đình tại xã Nam Anh, chẳng buồn chăm sóc ruộng rau nhà mình, để cho đậu khô héo và lụi tàn. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, để nâng cao thu nhập cho người trồng rau còn phụ thuộc vào yếu tố thị trường quyết định. Trong khi khâu tiêu thụ đang còn bấp bênh và gặp nhiều khó khăn, chưa có doanh nghiệp “làm bà đỡ” thì các địa phương cần vào cuộc cùng người dân trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp. Nhiều địa phương đang phát huy các thế mạnh, tiếp tục trồng các loại rau thị trường ưa chuộng và trồng rải vụ để tránh tình trạng thu hoạch cùng lúc với khối lượng lớn. 

Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cần quan tâm hỗ trợ nông dân sản xuất sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường, làm nền tảng cho mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng thương hiệu theo từng vùng, từng lĩnh vực sản phẩm.

Qua trao đổi, ông Hồ Đình Thắng - Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện Nam Đàn cho biết: “Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân để xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn tại các xã có điều kiện như Nam Tân, Nam Lộc, Nam Cường; kết hợp mở rộng diện tích các loại rau có giá trị cao phù hợp với đất bãi như bí xanh, bí đỏ, cà rốt, khoai tây, dưa đèo...”. 

Sự vào cuộc kịp thời của chính quyền các cấp và doanh nghiệp trong đồng hành cùng nông dân các vùng sản xuất rau hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ theo tiêu chuẩn VietGAP đang là xu thế tất yếu. Về cơ bản, để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu, người dân có thể làm được, nhưng giải quyết đầu ra cho sản phẩm rất cần sự vào cuộc của doanh nghiệp, chính quyền, nếu không nông dân lại chới với với những sản phẩm cây trồng...

 Phương Thúy

TIN LIÊN QUAN