(Baonghean.vn) - Năm học 2016 - 2017, đồng loạt các trường tiểu học ở vùng cao Nghệ An ngừng tổ chức các bữa ăn bán trú. Tuy nhiên, với học sinh Trường Tiểu học Yên Na 1 - Tương Dương, nhờ mô hình bán trú dân nuôi các em vẫn có thể yên tâm đến trường... 

images1760080_img_0114.jpgTrường Tiểu học Yên Na 1 trước đây có 6 điểm trường và là một trong những điểm trường khó khăn thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Tương Dương. Từ năm 2012, được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, trường được xây dựng lại và gom thành 3 điểm. Điểm trường chính đóng ở bản Pù Kẽm là điểm trường khang trang nhất với 6 lớp học.
Những năm trước, học sinh ở trường được hỗ trợ của dự án Trường học mới nên các em được tổ chức nấu ăn bán trú của trường. Tuy nhiên năm nay, do dự án chấm dứt, hàng ngày phụ huynh trong trường phải nấu cơm cho các em đem đến trường.
Để đảm bảo vệ sinh, trước khi bước vào bữa ăn, các em được hướng dẫn rửa tay sạch sẽ.
Bữa ăn của học sinh trong trường được tổ chức tại một ngôi nhà tạm được dựng bằng nứa lá. Tuy nhiên, nhờ có nơi này, học sinh tránh được tình trạng "3 trong 1" trong cùng một lớp học (cùng học, cùng ở, cùng ăn).
Điểm trường có 125 học sinh. Tất cả đều là học sinh người Khơ Mú. 120/125 học sinh thuộc diện hộ nghèo. Do điều kiện khó khăn nên bữa ăn của các em được gia đình chuẩn bị rất đơn giản, chủ yếu chỉ có cơm, xôi, một ít măng rừng và nhiều hơn cả là mì tôm được pha sẵn từ sáng sớm như là một món thức ăn kèm cơm.
Em nào "khá giả" hơn thì có thêm mấy con cá biển kho mặn.
Do phong tục của người vùng cao nên các cậu bé, cô bé của trường chỉ ăn cơm bằng tay.
Không khí của bữa ăn trưa diễn ra sôi nổi.
Rất nhiều học sinh lạ lẫm khi nhìn thấy một bạn mang theo thìa ăn đến lớp.
Lữ Văn Sửu, học sinh lớp 2C là cậu bé đặc biệt vì em bị tàn tật bẩm sinh từ nhỏ. Nhưng hàng ngày em vẫn chăm chỉ đến trường dù hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Nhiều bữa, thực đơn của em chỉ có cơm trắng.
Để tổ chức bữa cơm bán trú cho học sinh, giáo viên trong trường tự nguyện ở lại trường, chia sẻ cùng bữa cơm đạm bạc với học sinh, thay phụ huynh nấu mì tôm cho các em.
Cũng nhờ những bữa ăn bán trú này, phụ huynh yên tâm hơn khi các con đến trường, giúp duy trì sĩ số lớp và tạo nên tính chuyên cần cho học sinh.
Sau bữa ăn trưa các em sẽ được sắp xếp ngủ lại trường. Toàn bộ chăn, màn, gối cũng được nhà trường huy động từ sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện.
Mô hình bán trú dân nuôi ở Trường Tiểu học Yên Na 1 cũng là một điểm sáng ở các huyện miền núi hiện nay, đặc biệt là trong thời điểm, hơn 100 trường tiểu học ở Nghệ An đã bị cắt các chương trình hỗ trợ ăn trưa cho học sinh từ năm học 2016 - 2017.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN