(Baonghean) - Không chỉ là một thú vui, đánh cá trên suối Chà Lạp là cách mưu sinh của những trai bản ở xã Tam Hợp - Tương Dương. Còn đối với những khách lạ như chúng tôi khi theo chân đoàn đánh cá là một trải nghiệm khó quên vào một ngày thu dịu nắng.

Theo chân trai bản đánh cá

Một ngày đầu thu tháng Chín, vượt qua quãng đường gần 40 km từ Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) chúng tôi vào đến xã Tam Hợp. Con đường gập ghềnh đầy đá. Cơn mưa lớn từ tối trước đó làm cho chúng tôi phải mất gần 3 giờ đồng hồ mới đặt chân đến được trung tâm UBND xã ở bản Xốp Nặm. Bữa cơm trưa tại nhà anh Lữ Văn Sơn được dọn với độc một món cá mát bắt từ con suối trước nhà. Anh bảo rằng, bây giờ đang vào mùa cá nên lúc sáng tranh thủ giờ rỗi, anh quăng lưới để bắt. Thôi thì đủ loại món ăn từ cá mát: cá nướng, cá kho, cá nấu canh chua…

Thu lưới bắt cá.

Bữa cơm vừa xuống dạ, nghỉ ngơi chừng dăm phút thì mấy người bạn của anh ở bản Văng Môn kéo đến rủ đi đánh cá. Trong vùng này, anh Sơn được xem là một tay “sát cá” nên muốn có cá ăn thì tốt nhất là rủ anh đi. Chúng tôi ngỏ ý muốn được theo chân các anh đi xem cho biết và được các anh vui vẻ đồng ý. Anh Lữ Văn Sơn cho biết: “Tuy là mùa cá nhưng đánh bắt cũng phải biết chọn giờ. Phải đợi đến giờ cá ra ăn thì đánh mới hiệu quả. Đối với loài cá mát, chỉ có đánh vào 8 giờ sáng, 12 giờ 30 trưa và 16 giờ chiều thì mới bắt được nhiều cá”.

Công tác chuẩn bị đã xong, người lưới, người xiên nhọn, người đèn chụp sẵn sàng ra suối. Con suối Chà Lạp cách nhà anh chừng 200 mét nước trong vắt nhưng lởm chởm đá. Chúng tôi phải bám theo các chàng trai trong bản để men theo hai bên bờ. Họ bảo rằng, đối với những người không quen thuộc khe Chà Lạp rất dễ gặp nguy hiểm. Phải thông thuộc chỗ nông, chỗ sâu để đi. Có những nơi sâu đến 4-5 mét, nếu không biết bơi bị sẩy chân xuống rất nguy hiểm. Những lời cảnh báo của họ thật không thừa chút nào, gặp nhiều đoạn phải có sự giúp sức của họ chúng tôi mới có thể vượt qua được. 

Những đôi chân của các chàng trai này đã quen lắm với khe Chà Lạp nên họ băng băng vượt suối. Người quăng lưới, người ngụp lặn xuống sâu để đâm các loại cá lớn còn ẩn nấp trong hang, tất cả tạo nên một cảnh tượng nhộn nhịp trên một khúc suối rộng lớn. Xa xa phía dưới, mấy đứa trẻ người Mông cũng đang tranh thủ thì giờ ra suối kiếm ít cá về cho bữa ăn chiều.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ vật lộn trên khe, mọi người tập hợp lại với nhau để kiểm tra thành quả. Thôi thì đủ loại cá, lớn có, nhỏ có, cá mát có, cá lăng có. Những chú cá còn tươi roi rói nhảy tanh tách trong oi khiến chúng tôi cảm thấy thật vui mừng. Theo như lời anh Sơn nói thì “phải hiểu cả tâm lý của cá nữa mới đánh bắt được”.  Những gì chúng tôi được chứng kiến trong hơn 1 giờ đồng hồ qua đã nói lên điều đó. Hơn 3 kg cá đánh bắt được, nhiều nhất là ở oi của anh Sơn.

Đặc sản giữa rừng xanh

Nghỉ ngơi một lát, chúng tôi định quay lưng ra về thì mọi người bàn nhau tổ chức bữa tiệc cá ngay tại rừng. Một bếp lửa được nhóm lên, ai vào việc nấy, người chặt nứa làm kẹp nướng cá, người lấy lá rừng về kẹp ăn. Một bữa tiệc ngon lành giữa rừng xanh khiến chúng tôi cảm thấy thú vị biết chừng nào. Ngồi nhâm nhi li rượu với cá mát nướng kẹp lá rừng là lần đầu chúng tôi được trải nghiệm. Vị cay cay của tiêu rừng hòa vào hương thơm của cá mát trên bếp than hồng, vị ngọt đắng của ruột cá khiến người thưởng thức ngây ngất.

Nướng cá mát giữa rừng.

Trong cuộc rượu, tôi có hỏi anh Sơn về bí quyết đánh bắt các loại cá ở đây, anh cười hiền bảo, có gì đâu, quan trọng là mình hay tìm tòi. Từ đó mới biết được quy luật hoạt động của các loài cá để đánh. Ngày trước, cá ở đây nhiều lắm, anh cũng nghe các cụ kể lại rằng, chỉ cần xuống khe, đem theo cái vợt là về đã có tha hồ cá để ăn. Bây giờ thì nguồn cá cạn nhiều rồi, cũng do kích điện, thuốc đánh cá thôi. Giọng người thanh niên như chùng xuống, ánh mắt nhìn ra xa chất chứa một nỗi niềm khôn tả giữa rừng chiều. Rồi bắt đầu anh kể về kỹ thuật đánh cá mát, cá lăng cho chúng tôi nghe.

Đối với cá mát, ngoài việc đi đúng giờ để đánh còn phải có kỹ thuật quăng chài tốt. Cá mát không sống ở những nơi có nước chảy mạnh và sâu, do đó khi quăng lưới cần chọn địa điểm thích hợp. Vào mùa nước cạn, mỗi lần xuống khe quăng chài, anh có thể đánh được 4-5 kg cá mát là chuyện thường. Có những hôm anh còn bắt được những con cá mát hơn 4 lượng. Những người dân ở đây đã quen với cá mát nên vào mùa cá sinh sản họ không bao giờ ra suối để đánh cá. Loại cá này là đặc sản của vùng suối Chà Lạp, chỉ cần rửa sạch là đưa vào chế biến, không cần làm ruột. Ruột cá mát ăn ngon và cũng là thứ quý nhất trong cá. Những hôm đánh được nhiều, gia đình anh thường đem treo lên gác bếp để dành. Ngày mưa không ra suối được thì đem xuống để nướng ăn. Giá cá mát bây giờ cũng đắt lắm, mỗi kg cũng bán được 150 nghìn đồng nên gia đình anh cũng có cái ăn, cái để.

Còn việc bắt cá lăng thì khó khăn hơn nhiều, ngoài việc nắm được quy luật hoạt động của chúng, người đánh cá còn phải biết lặn xuống sâu dùng xiên để đâm. Cá lăng thường sống trong các hang đá, chúng ít khi ra ngoài, bằng ánh mắt quan sát của một người thợ cá lành nghề mới có thể phát hiện ra nơi ẩn nấp của chúng. Anh Sơn bảo: “Cá lăng là giống cá khôn, nhiều khi mình biết nó nằm trong hang nhưng khi thò xiên vào để kiểm tra nó vẫn nằm im không nhúc nhích. Nhiều người đi đánh cá tưởng thò xiên vào nó không ra là không có cá nên bỏ đi. Kỳ thực, lúc đó phải dùng tay để thò vào bắt mới lôi ra được. Có những con tinh ranh hơn lùi vào trong hang sâu để nằm thì đành chịu”. Khúc suối này là nơi cá lăng ẩn mình rất nhiều nhưng để đánh bắt được nó thì phải rất kỳ công. Những người thợ cá lành nghề như anh có hôm đi bắt cá lăng cũng phải trở về tay không. Giá cá lăng bây giờ rất đắt nên hầu như bắt được con nào là thương lái đến mua ngay để nhập vào các nhà hàng lớn ở Thị trấn Hòa Bình.

Cuộc rượu với cá trên rừng của chúng tôi kéo dài đến khi mặt trời sấp bóng bên kia núi. Số cá còn lại trong oi được các anh đem về chuẩn bị cho bữa ăn tối. Anh Lương Văn An – thành viên của đoàn bảo: “Ở đây, vào mùa cá anh em hay tổ chức đi như thế này lắm. Ngày mùa đã xong, rảnh rỗi thì đi cho vui. Lần sau có dịp chúng ta đi tiếp nhé”. Lời mời của anh An khiến chúng tôi cảm thấy vui vui.

Qua một chuyến đi đầy thú vị với các chàng trai ở Xốp Nặm, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng về những miền đất lạ chưa một lần được đặt chân đến. Lòng nao nức muốn được trở lại Tam Hợp vào một ngày gần nhất. Chợt thấy yêu biết mấy con người và miền Tây xứ Nghệ, yêu biết mấy mùa cá ở Chà Lạp.

Bài, ảnh: Đào Thọ - Hữu Vi