(Baonghean) - Nắng nóng lên đến đỉnh điểm, ăn món gì phù hợp với gia đình, đảm bảo sức khỏe, an toàn thực phẩm cho cả nhà là vấn đề các bà nội trợ quan tâm. Không ít chị em phải bỏ rất nhiều công sức cho bữa ăn gia đình thêm phần hấp dẫn...
Mới 6h sáng, chị Hồ Thị Loan (phường Quang Trung, TP Vinh) đã vội vàng ra chợ để xem thử hôm nay có tìm được mớ tép đồng nấu nồi canh chua giải nhiệt cho cả nhà không. Loay hoay hết hàng cá biển, cá đồng rồi sang hàng rau, cuối cùng chị Loan cũng đã tìm mua được những món ăn như dự định: tép đồng nấu canh cà chua, thịt lợn ba chỉ luộc ăn kèm rau sống giải nhiệt cho buổi trưa, còn thực đơn buổi tối sẽ là canh rau ngót nấu thịt băm nhỏ, cá bống kho tiêu và món tráng miệng mà cả nhà đều thích đó là dưa bở đánh đường, đá.
Chị Lan cho biết: Trước đây khi đang là giáo viên, do công việc bận rộn nên để có những món ăn hợp khẩu vị cho cả gia đình, chị chỉ có thể đi chợ vào những ngày cuối tuần. Từ ngày về hưu, có nhiều thời gian rỗi hơn, chị thường đi chợ mỗi ngày để chọn mua thức ăn vừa đảm bảo ATVSTP lại tươi, ngon. Những ngày hè nóng bức như thế này, ăn món gì để đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm là điều không dễ dàng. Theo chị Loan, bữa ăn ngày hè nhất định phải có bát canh mát ví như canh mồng tơi, canh bí nấu thịt, canh rau tập tàng nấu cua đồng hay canh mướp ngọt nấu lạc giã nhỏ... Ngoài ra để tăng cường sức đề kháng cho các cháu nhỏ, chị Loan tự tay chế biến sữa chua, thạch dừa và các loại chè đậu đen, xanh...
Khác với thành phố, ở các làng quê dịp này đang vào mùa gặt, rồi chuyển sang làm đất chuẩn bị cấy vụ hè thu. Suốt ngày làm việc dưới nắng gắt khiến nhiều người cảm thấy choáng váng. Làm thế nào để có thời gian nấu bữa cơm cho các thành viên trong gia đình đảm bảo sức khỏe để thu hoạch mùa màng trong thời tiết khắc nghiệt là trăn trở của chị Nguyễn Thị Sen (Quỳnh Tam, Quỳnh Lưu). Chị Sen cho biết: Ở quê nên rau trong vườn luôn có sẵn, từ mồng tơi, rau lang, rau ngót, đến mùng... lúc nào cũng tươi xanh. Nhà lại chăn nuôi gà nên trứng gà cũng ăn thường xuyên. Tuy nhiên, do thời tiết quá khắc nghiệt, lại làm việc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời nên cơ thể rất háo nước. Vì thế để giải nhiệt, buổi sáng chị thường dậy lúc 4h nấu một nồi chè đậu đen thật to, để nguội, sau đó lọc lấy nước đổ vào các chai nhựa, rất thuận tiện cho các thành viên trong gia đình khi đi gặt ngoài đồng.
Thời tiết mùa hè nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có khi lên đến 39 - 40 độ C khiến thân nhiệt tăng cao, dễ chán ăn, mệt mỏi nên việc lựa chọn thực phẩm phù hợp có tầm quan trong đặc biệt để giúp cơ thể khỏe mạnh. Bác sỹ Quế Trâm Anh, Trưởng khoa Chăm sóc trẻ em và dinh dưỡng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản có những lời khuyên đối với các bà nội trợ xung quanh việc lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm mùa hè:
Để ăn uống đảm bảo dưỡng chất cho cơ thể khỏe mạnh trong những ngày hè, đầu tiên các bà nội trợ cần phải chọn thực phẩm hợp lý và chế biến làm sao để các thành viên trong gia đình muốn ăn.
Vào những ngày hè oi bức, mọi người nên ưu tiên sử dụng thực phẩm tươi sống, rau và trái cây sạch. Cần ăn nhiều các loại rau, củ, quả có tính mát như xoài, đu đủ, dưa hấu, bầu bí, khổ qua, đậu bắp, xà lách xoong, dưa leo, ớt tây, bắp, nấm rơm, rau dền, cà chua. Cần tránh các loại thịt giàu protein; tránh dùng quá độ các loại đồ ăn, thức uống chứa nhiều chocolate, đường, cà phê và các loại bia rượu; Khi chế biến nên tránh chiên, nướng vì dễ làm tăng thân nhiệt; không ăn nhiều các món lên men như cà pháo muối, kim chi, dưa món. Bên cạnh đó, mọi người cần uống đủ nước từ 1,5 - 2 lít/ngày, có thể là nước tinh khiết, nước lọc, nước canh hay nước giải khát như nước rau má, chè đậu đen, đậu xanh, nước đậu... Và tránh các loại nước có gas. Tùy theo đối tượng, độ tuổi mà còn có thêm những lưu ý riêng trong việc cung cấp thực phẩm trong mùa hè.
Đối với trẻ nhỏ, cần chú ý đến các loại thực phẩm giúp trẻ xua tan mỏi mệt, tránh xa các loại bệnh tật, phát triển toàn diện về thể chất: Những thực phẩm như sữa, ngũ cốc, chuối, chè hạt sen sẽ giúp cho trẻ có giấc ngủ sâu. Những thực phẩm rau củ, cam, ổi, cà chua, bưởi, đu đủ, cà rốt, khoai lang, bí đỏ giúp trẻ không bị khô da và thiếu nước, tránh táo bón; Các món ăn như cháo gốc hẹ, cháo chạch, cháo lá dâu, cháo trai, cháo sò - hến, canh cá quả, canh rau ngót, chè đậu xanh, đậu đen giúp trẻ không ra mồ hôi trộm, tránh nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp… Ngày hè, trẻ thường chán ăn nên sử dụng nhiều loại thức ăn và thường xuyên thay đổi các món ăn để trẻ ngon miệng, dễ ăn và đủ dinh dưỡng; cần tránh cho trẻ uống nước lạnh, nước đá, ăn nhiều kem hoặc kem còn đông cứng vì sẽ làm niêm mạc miệng bị tổn thương, dẫn đến những bệnh về đường hô hấp.
Đối với người cao tuổi, chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng một vai trò hết sức quan trọng vì lúc này sức đề kháng cơ thể đã có nhiều hạn chế. Trong mùa hè, thực phẩm cho người cao tuổi đóng vai trò như “thuốc” phòng bệnh. Những thực phẩm dồi dào năng lượng như thịt, cá, tôm, cua, đậu… và các loại trái cây tươi, rau xanh giàu vitamin và khoáng chất tự nhiên sẽ nâng cao sức đề kháng cho người cao tuổi; Nên hạn chế và hạn chế và tránh xa những thực phẩm gây suy giảm tuổi thọ như rượu, bia, thức uống có cồn, thuốc lá, cà phê; không nên ăn nhiều thức ăn tăng nguy cơ mắc bệnh như thức ăn xào, rán, chiên, mỡ và nội tạng động vật, rau sống, gỏi cá, nem chua… Đối với những người cao tuổi đang mắc một số căn bệnh thì cần cho chế độ kiêng khem phù hợp tùy theo từng loại bệnh; nên giữ chế độ ăn đều đặn từ 4 - 5 bữa/ngày, chia nhỏ số lần ăn, mỗi lần ăn từng ít một để hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả; nên ăn chín uống sôi, tuyệt đối không nên ăn thức ăn lạnh.
Chị em cũng nên lưu ý: Vào mùa hè, thời tiết nóng nên thức ăn mau bị ôi thiu, vì thế khi chọn mua thực phẩm cần tuân thủ các nguyên tắc: Chọn thực phẩm sạch; ăn chín uống sôi; rửa tay và rửa rau củ thật sạch khi chế biến thức ăn; dụng cụ ăn uống phải luôn sạch sẽ; bảo quản các thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại trước khi ăn; không để lẫn thức ăn chín với thức ăn sống và giữ khu vực chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ.
Thanh Hiền - Thanh Sơn