Bản Na Lạn nằm lưng chừng núi Pù Chông Cha, một bộ phận của dẫy Trường Sơn Bắc, thuộc xã Châu Thôn, huyện Quế Phong (Nghệ An). Bản người Thái này nép mình bên tuyến Quốc lộ 48 nhưng cuộc sống cư dân khá trầm lặng. Cả bản chỉ có một vài hàng quán nhỏ nhoi. Mỗi người đều ăn nói khá nhỏ nhẹ, gặp nhau thì đưa cả hai tay lên chào như vẫn thấy ở phần lớn các bộ tộc Lào.
Tôi đến Na Lạn vào một ngày đầu tháng 3 và bắt gặp một nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến linh hồn người quá cố của cộng đồng người Thái nơi dây. “Nho Toong Khàu”, tên gọi tiếng Thái của nghi lễ được các thầy mo giải thích là lễ cúng của cải cho người đã chết. Lễ vật gồm những thứ như: vải vóc, quần áo, cồng chiêng, rượu cần, gà, vịt, chó, lợn...., nói chung là tất cả những của cải căn bản người ta có được trong suốt cuộc đời.
Thầy mo làm lễ là ông Lữ Văn Chiến, đã gần 60 tuổi. Ngày nay thầy mo không còn uy quyền như thời phong kiến, nhưng vẫn được dân bản trọng vọng. Họ là người sống điềm đạm, hiểu biết về các phong tục xưa cũ ở cộng đồng. Người ta vẫn thường nhờ các thầy mo giúp trong việc làm lễ cúng và nhiều nghi lễ tâm linh khác. Khi ăn cỗ, thầy mo được ngồi cũng những người lớn tuổi nhất trong dòng họ ở mâm cơm đặt gần bàn thờ tổ tiên nhất.
Ông Chiến giải thích về lễ “Nho Toong Khàu”: Trước đó gia đình đem áo của người đàn ông chủ gia đinh đi nhờ một mo khác bói ra rằng, có một người quá cố trong gia đình khi chết đi chưa được chia của cải. Ở thế giới bên kia, linh hồn đó đang trong cảnh nghèo túng nên trở về “đòi của”.
Đó là lí do của buổi lễ mà tôi chứng kiến ở bản Na Lạn. Lễ tổ chức tại nhà ông Nguyễn Văn Thanh. Dòng họ của ông cũng như những người Thái mang họ Nguyễn ở miền núi Nghệ An vốn có gốc gác từ người Kinh, di cư lên miền núi từ thời phong kiến.
Trong đêm, ngôi nhà sàn nơi bản vắng như thêm vẻ huyền bí. Nhá nhem tối, người được mời dự lễ đã lác đác xuất hiện. Họ là những người đến giúp gia chủ dọn mâm lễ cúng và bày biện cỗ đãi khách. Trước đó một con bò đã được mổ, vừa để lấy thịt phục vụ lễ cúng vừa bày cỗ thết đãi dân bản.
7 giờ tối, buổi lễ bắt đầu. Người ta bưng theo vải vóc, rượu cần, thịt bò bày ra cạnh bàn thờ tổ tiên. Chiêng, trống, chụm chọe được cất ở một góc khác. Gà, lợn, vịt, chó, trâu, bò, được nhốt trong một chuồng riêng ở dưới nhà và thầy mo sẽ gọi linh hồn thụ hưởng lễ vật đến nhận và lấy đi.
Trong khi bày mâm lễ, những người là em dâu, rể của người quá cố thực hiện một nghi lễ quan trọng, mỗi người một tay nhặt thức ăn bỏ vào từng cái bát trên mâm lễ trước khi cùng nhau khiêng mâm đặt vào nơi làm lễ. Sau khi thầy mo xong bài cúng, đám dâu, rể cùng nhau sụp lạy mâm cơm để mời người quá cố hãy ăn rồi mang những lễ vật về trời.
Sau lạy tạ, người ta làm thêm một lễ gọi là “tom". Người tham gia lễ ngồi vào mâm ăn một miếng thịt, một ít xôi gọi là để linh hồn người chết được vui vẻ. Lễ này dành cho cả trẻ em là người thân thiết đối với gia đình.
Ông Nguyễn Văn Thành cho biết, người được tổ chức lễ là cô con gái đã mất từ ngày còn rất nhỏ. Khi ấy, gia đình nghèo nên không có của để cúng cho cô mang đi nên giờ phải bù đắp để linh hồn được hưởng thụ giàu sang, phú quý, qua đó phù hộ cho người thân.
Những nghi lễ liên quan đến linh hồn rất phổ biến trong cộng đồng người Thái. Ngoài lễ “Nhon Toong Khàu” người Thái còn lễ chuộc hồn, gọi vía...
Xem cộng đồng Thái hành lễ Nho Toong Khàu |