Đội tuyển Việt Nam đã vô địch AFF Cup 2018, tứ kết ASIAN Cup 2019 và lọt vào giai đoạn 2 vòng loại World Cup 2022 khu vực Châu Á, Đội U23 VN đoạt HCV SEA Games 2019…
Nhưng sau niềm vui vô bờ bến từ tuyết trắng Thường Châu, dù diễn ra rải rác nhưng ĐTVN lần lượt vắng mặt những trụ cột do chấn thương như Đình Trọng, Văn Đức, Duy Mạnh, Xuân Mạnh…và sau đó tất cả những cầu thủ này đều phải rất chật vật chống chọi với chấn thương kéo dài cho đến tận bây giờ vẫn chưa hết di chứng.
Tương tự, sau tấm HCV SEA Games, ra nước ngoài thi đấu, ngôi sao trẻ Văn Hậu gặp chấn thương và đến tận hôm nay, người ta đang nói tới “bài học” đáng nhớ về sự nôn nóng của ban huấn luyện, của chuyên gia y tế và bản thân cầu thủ, khiến mọi việc vượt ra ngoài tầm kiểm soát và có khi ảnh hưởng vô cùng tai hại đến sự nghiệp cầu thủ và cả các đội tuyển.
Ở SLNA, việc lần lượt Văn Đức, Xuân Mạnh và Văn Lắm chấn thương dài hạn, lần này rồi lượt khác trong sự nóng ruột của ban huấn luyện, của đội hình thiếu trước hụt sau trong những trận khó, để rồi vội vàng đưa họ trở lại sân đấu, xem ra lợi thì ít mà hại thì không thể đong đếm. Việc Văn Đức, Xuân Mạnh chơi như “lên đồng” ở Thường Châu vừa chân ướt chân ráo về Vinh đã được tung vào sân khiến hậu quả không lường hết được.
Văn Đức chấn thương dài hạn, vắng mặt một thời gian dài ở ĐTVN để rồi khi trở lại dù cố gắng cũng rất khó nhận ra bóng dáng tiền vệ nhiều đột biến bên cánh trái hồi nào. Xuân Mạnh sau thời cùng SLNA nỗ lực vượt bậc (trong cảnh thiếu vắng Văn Đức) cũng không tránh khỏi chấn thương và nay thì tụt dần đều rất đáng lo ngại khi không còn được gọi lên tuyển. Văn Lắm lâu nay làm bạn với chấn thương và mất suất lên tuyển hẳn cũng ít nhiều có lý do từ sự nóng vội vào sân thi đấu. Tất nhiên, việc thiếu hụt lực lượng lâu nay của SLNA là một thực tế có thể chia sẻ phần nào.
Những ngày ĐTVN tập trung chuẩn bị cho vòng loại thứ 3 World Cup 2022, người ta lại nói tới câu chuyện chấn thương và sự nóng vội, tất nhiên mọi sự chú ý đổ dồn vào trách nhiệm của HLV trưởng Park Hang-seo. Có nhiều trường hợp cầu thủ chấn thương là nguyên nhân để ông thầy không điền tên vào danh sách tập trung, nhưng lại có nhiều trường hợp sẽ được gọi bằng bất cứ giá nào, dù chấn thương nặng hay nhẹ như Trọng Hoàng, Văn Hậu, Tuấn Anh…Họ cứ thế lên tuyển, được tập theo giáo án riêng, chờ hồi phục theo thời gian và kiểm tra thực tế trước ngày lên đường, thậm chí chưa hồi phục hẳn như trường hợp của Văn Hậu mới đây.
Trong câu chuyện này, tất nhiên ông Park Hang-seo có lý của riêng mình: ông tin ở sự hồi phục kỳ diệu của Trọng Hoàng không chỉ một lần và ông luôn đúng, rất đáng khâm phục cả thầy và trò. Nhưng với trường hợp của Tuấn Anh và Văn Hậu, có vẻ cái đúng của ông không vượt quá 50% yêu cầu.
Tuấn Anh quả đã và sẽ chơi rất hay khi mọi việc ổn thỏa. Nhưng thực tế lâu nay cho thấy, “đôi chân pha-lê” của Tuấn Anh luôn đem lại sự e ngại cho nhiều người, dù rất đáng tiếc cho tiền vệ tài hoa này nhưng đó là sự thật nhãn tiền mà trong bóng đá rất nhiều trường hợp đành phải ngậm ngùi chấp nhận, thậm chí phải rời xa trái bóng.
Còn với Văn Hậu, nếu ông Park Hang-seo vẫn cứ bài cũ, nhất thiết gọi lên tuyển khi đang chấn thương, chưa hồi phục hẳn và vào sân đá chính thì chưa biết điều gì tới đây sẽ đến với tài năng trẻ này?
Bài học Đình Trọng cho đến nay còn rất nóng hổi. Thật đáng nói, một trung vệ chơi bóng điềm tĩnh, thông minh đến thế mà chỉ sau một chấn thương dài hạn rồi nóng vội vào sân, nay chỉ còn là “cái bóng” của chính mình. Bài học ở đâu, do ai, cần phải rút kinh nghiệm ra sao hẳn không chỉ dành riêng cho một người?
Ở đây, có thể có câu chuyện “mục đích biện minh cho phương tiện”, tức đội tuyển cần sức mạnh to lớn nhất, sự hy sinh nếu có của một người mà đội tuyển thành công khi cơ hội ngàn năm có một thì nói chung vẫn phải chấp nhận. Nhưng mọi sự ở trên đời không có cái gì là tuyệt đối, hoàn hảo, nên có thể thay thế, bổ sung. Trong bóng đá điều đó càng thể hiện rõ, vấn đề là sự thay thế, bổ sung có đạt “một chín, một mười” hay không, còn nếu chênh lệch quá lớn giữa chính thức và dự bị thì không mục tiêu nào có thể chạm được.
Tóm lại, sự nóng vội không bao giờ đưa đến một kết quả tích cực cho cá nhân và cả tập thể. Bất cứ tấm huy chương màu gì cũng đều quý giá. Để mặt trước của tấm huy chương lấp lánh thực sự và cơ hội để giành lấy tấm huy chương tiếp theo là một việc làm vô cùng gian khó, trong đó có việc biết cách, tìm cách tốt nhất, hay nhất, ít hậu quả nhất để hạn chế đến mức tối đa sự gồ ghề của mặt sau tấm huy chương danh giá lắm ngươìtranh giành này./.