Việc bóng đá đi đầu thực hiện “bình thường mới” cho phép 30 % khán giả vào sân là một nỗ lực đáng khen của ban tổ chức sân, là nguồn cổ vũ lớn lao cho ĐT Việt Nam. Tất nhiên, nhiệm vụ chính của ông Park Hang-seo lúc này là ổn định và nâng cao chất lượng mọi mặt của đội tuyển, nghiên cứu đầy đủ về đối thủ và tìm ra cách đánh phù hợp nhất, hiệu quả nhất, nhằm đạt được mục tiêu có điểm trước đội bóng số 1 châu Á khi được thi đấu trên sân nhà.
Sau những toan tính khó khăn và chưa thể đạt được mục tiêu tối thiểu nào, lúc này ĐT Việt Nam thực ra còn gặp nhiều khó khăn hơn. Lực lượng của đội đã bộc lộ hết, bài vở của ban huấn luyện cũng không còn là điều bí mật với bất cứ ai. Trong khi đó, đối thủ như ĐT Nhật Bản thời gian qua thi đấu không thành công (2 thắng, 2 thua) và chắc chắn sẽ quyết tâm cao hơn trong các trận đấu tới để đạt mục tiêu giành vé đi World Cup như một “mặc định” lâu nay. Và đội bóng mà người Nhật hy vọng dễ dàng lấy trọn 3 điểm nhất là ĐT Việt Nam, bất kể thi đấu sân nhà hay sân khách, có khán giả vào sân hay không.
Tất nhiên, người Nhật Bản trông cậy vào điều đó là hoàn toàn có cơ sở bởi năng lực và đẳng cấp vượt trội của họ so với ĐT Việt Nam. Hàng loạt các tên tuổi lớn của ĐT Nhật Bản đang thi đấu ở châu Âu, thậm chí ở các giải hàng đầu như Primier League, Bundesliga, La Liga… Dù đội bóng đó chỉ tập trung cùng nhau 2-3 ngày để thi đấu thì đó cũng là chuyện thường ngày của bóng đá chuyên nghiệp, không thể coi đó là bất lợi hay yếu kém của họ. Trong một tương lai không xa, khi bóng đá Việt bước vào chuyên nghiệp thực sự, có những cầu thủ ngôi sao ra thi đấu nước ngoài, sẽ thấy điều đó cũng là “mặc định” hiển nhiên, ai ai cũng phải vui vẻ chấp hành.
Nhưng những lý lẽ nói trên nói ra không phải để ĐT Việt Nam “yên phận” với thực tế hiện nay, để rồi thi đấu hời hợt, xong chuyện, xong xuôi tất cả lại về. Người ta vẫn thường nói, vẫn đặt cược niềm tin vào quả bóng tròn, vào sự bất ngờ, thú vị vẫn thường xảy ra trên sân cỏ trong những câu chuyện châu chấu đá xe, tí hon quật ngã lực sỹ…
Cũng không phải tìm đâu xa, mà chính trong bộ môn bóng đá của Việt Nam, từ “người anh em” futsal chẳng hạn. Đó là câu chuyện cách đây hơn 5 năm, ngày 17/2/2016, ĐT Futsal Việt Nam đối đầu với ĐT Futsal Nhật Bản hùng mạnh ở tứ kết Giải Futsal châu Á. Đương nhiên đội Nhật Bản được đánh giá cao hơn, nhiều hy vọng hơn và không khó để ngay từ hiệp 1, họ đã dẫn trước ĐT Việt Nam 2 bàn thắng.
Nhưng với tinh thần thi đấu quật cường, càng khó khăn càng tỏ rõ sức mạnh phi thường, ĐT Futsal Việt Nam tìm được chìa khóa mở ra thế trận trong những cơ hội nhỏ nhất, dù tiếp tục bị thủng thêm 1 bàn nhưng cuối cùng vẫn quân bình được tỷ số 3-3 trong 40 phút thi đấu chính thức nghẹt thở, hấp dẫn và đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Hai đội bước vào thi đấu hiệp phụ và ĐT Futsal Việt Nam lại để đối thủ vượt lên nhưng rồi chính họ lại thất vọng tràn trề khi để ĐT Việt Nam gỡ hòa 4-4, buộc phải chấp nhận bước vào thi đấu luân lưu ở vạch 5m.
Để rồi ĐT Futsal Việt Nam bất ngờ giành chiến thắng 2-1, lọt vào bán kết, đồng nghĩa với việc giành vé dự vòng chung kết World Cup Futsal 2016 lần đầu tiên trong lịch sử.
Bài học thi đấu kiên cường, quả cảm, quyết không lùi bước của ĐT Futsal Việt Nam vì vậy phải là “bài học nằm lòng” của thầy trò HLV Park Hang-seo khi bước vào trận đánh lớn với ĐT Nhật Bản ở phía trước. Đó chính là vũ khí đáng sợ nhất của ĐT Việt Nam trước bất kỳ đối thủ nào, nếu như vũ khí đó liên tục được mài dũa, phát huy đúng lúc, đúng chỗ để nhân lên sức mạnh tiềm tàng trong từng người và cả tập thể hôm nay và mai sau...