Không mấy ai ngạc nhiên khi cả FLC Thanh Hóa lẫn SLNA đã dừng chân tại vòng đấu bảng AFC Cup 2018. Đó đã thành chuyện ngày thường của các đội bóng CLB Việt Nam khi thi đấu tại đấu trường quốc tế.

Thất bại riết, đâm quen

Sân chơi khu vực, các CLB bóng đá Việt Nam được quyền tham gia 2 sân chơi AFC Champions League và AFC Cup. Bắt đầu từ năm 2004, AFC cho Việt Nam 2 suất dự AFC Champions League. Nhưng sau những thất bại liên tục, đến năm 2015, chúng ta chỉ còn được nhận 1,5 suất tham dự sân chơi số 1 này từ Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Và hiện tại chỉ còn có 0,5 suất (Thanh Hóa vừa rồi phải tham dự từ vòng play-off và bị loại sau khi thua đậm Suwon Samsung Bluewings của Hàn Quốc với tỷ số 1-5).

274_yangon5812180_2842018.jpgFLC Thanh Hóa không thể vượt qua Yangon United (Myanmar) tại vòng bảng AFC Cup. Ảnh: Internet
Mặc dù chúng ta cứ tự hào V- League là giải đấu hàng đầu khu vực Đông Nam Á nhưng đội vô địch thường xuyên bại trận tại sân chơi hạng nhất AFC Champions League. Đến nay việc thi đấu ở sân chơi hạng hai AFC Cup cũng chẳng mấy mặn mà, thậm chí nhà vô địch Quảng Nam còn bị loại từ “vòng gửi xe”.
Cách đây hơn thập kỷ, các CLB bóng đá Việt Nam thường xuyên có đội lọt vào vòng 1/8, tứ kết của AFC Cup. Thậm chí Bình Dương ở thời hoàng kim còn vào đến bán kết của AFC Cup 2009 và chỉ chịu dừng chân trước CLB Al-Karamah của Syria (thua chung cuộc 2-4).

Đáng buồn từ 4 năm nay, không hề có CLB bóng đá Việt Nam nào vượt qua vòng bảng AFC Cup. Mới đây, đến lượt Thanh Hóa và SLNA sớm dừng cuộc chơi ngay từ vòng đấu bảng ở giải đấu hạng 2 này.

Việc các CLB của Việt Nam bị loại sớm ở AFC Cup năm nay đúng vào dịp các quan chức VFF tranh cãi nhau tưng bừng quyền lực là một nỗi hổ thẹn.

Không chỉ FLC Thanh Hóa và SLNA mà bóng đá Việt Nam nói chung khó mà ngẩng cao đầu với bóng đá Đông Nam Á. Tính ra trong khu vực, ngoài Thái Lan đã sớm vươn ra tầm châu lục (CLB Buriram United  đã vượt qua các đại diện hùng mạnh của Nhật Bản và Hàn Quốc để có mặt ở vòng 1/8 AFC Champions League năm nay) thì các quốc gia khác đều có đại diện vượt qua vòng bảng AFC Cup.

Có thể kể ra Singapore có Home United, bóng đá Indonesia có Persija Jakarta, bóng đá Myanmar có Yangon United còn Philippines có Ceres-Negros. Không biết quan chức VFF sẽ nghĩ gì trước những thông tin này?

Đi tìm nguyên nhân

Không có đủ lực lượng, SLNA đành chia tay AFC Cup. Ảnh: tư liệu
Có 2 nguyên nhân chính, thứ nhất là các ông bầu nói chung và đại gia FLC, Ngân hàng Bắc Á nói riêng đều không có ý phát triển thương hiệu ra khu vực. Việc các nhà tài trợ hờ hững khiến cho các đội bóng không thật quyết tâm khi ra sân chơi lớn này, chủ yếu quanh quẩn V-League.
Nó khác hẳn với các ông bầu của các đội bóng lớn khu vực Đông Nam Á, đây là dịp tốt để họ quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu.

Tiếp theo là do tâm lý của các đội bóng Việt Nam luôn e ngại khi bước ra sân chơi châu lục, vốn cần phải đầu tư khá nhiều tiền, mua sắm ngoại binh, thuê HLV giỏi.

Đó là chưa kể họ cần được VFF bố trí lịch hợp lý tại V-League, tránh “xôi hỏng, bỏng không”. Nhìn việc SLNA đưa đội hình 3 sang Malaysia thi đấu chỉ vẻn vẹn có 16 cầu thủ, không có ngoại binh lẫn cầu thủ nòng cốt, người ta đã đoán được kết cục. Khó có thể trách cứ SLNA nhưng việc họ thay mặt bóng đá Việt Nam “mang chuông đi đánh nước người” bằng thủ môn số 3 Trần Văn Tiến đứng lóng ngóng trong khung gỗ, thật bi hài.

Nếu như FLC Thanh Hóa đang lâm vào cảnh “nhà giàu cũng khóc” để rốt cuộc phải thay HLV giữa đường thì SLNA đang “ăn đong” tại V-League nên cũng chả tha thiết gì AFC Cup. Vị thế V-League trong con mắt AFC và bạn bè mất dần vì những lý do như thế!