(Baonghean) Năm 2012 đánh dấu sự trở lại của bóng đá trẻ xứ Nghệ với chức vô địch lần thứ 7 của U17 SLNA sau 3 năm bị soán ngôi và U21 SLNA lần thứ 4 đăng quang sau 10 năm chờ đợi,zz cùng với đó, thể thao học đường Nghệ An đã có bước tiến vượt bậc khi lần đầu tiên lọt vào top 10 trên tổng số 63 tỉnh, thành tại Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần thứ 8.
Bóng đá trẻ khẳng định ngôi vị
Sau hai mùa giải 2010, 2011 trắng tay ở các giải trẻ, năm 2012, các cầu thủ trẻ xứ Nghệ đã lấy lại vị thế vốn có của mình khi vượt qua các “lò” đào tạo trẻ khác như: Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Viettel, SHB Đà Nẵng, Đồng Tháp, Trung tâm Đào tạo bóng đá tài năng trẻ PVF...
U17 SLNA lần thứ 17 đăng quang.
Mở màn cho cuộc “tái chiếm ngôi vương” này là U15 SLNA vào đến vòng chung kết toàn quốc, kế đến là U17 SLNA đè bẹp U17 ĐT.LA hơn cả tỷ số một séc tennis trong trận đấu chung kết để khẳng định sức mạnh tuyệt đối ở sân chơi dành cho lứa tuổi U17 này khi lần thứ 7 bước lên ngôi vô địch (6 lần vô địch liên tiếp ở các năm 2004 – 2009), điều mà chưa một trung tâm bóng đá trẻ nào dám mơ ước và khó phá vỡ kỷ lục số lần vô địch của SLNA. Và ở giải đấu này, năm nay các học trò của HLV Ngô Quang Trường còn ẵm luôn cả hai danh hiệu cá nhân danh giá của giải là Vua phá lưới (Tuấn Tài - 5 bàn) và Cầu thủ xuất sắc nhất giải (Đình Châu).
Tiếp theo, ở giải đấu U21 quốc gia - giải trẻ số 1 Việt Nam, sau 10 năm chờ đợi, SLNA đã có chức vô địch lần thứ 4 khi trình diễn một lối chơi đẹp mắt từ vòng bảng cho đến vòng chung kết và dễ dàng đánh bại đội chủ nhà Ninh Thuận với tỉ số 2-0 trong trận chung kết. Với chiến thắng và chức vô địch này, SLNA đã vượt qua Thể Công và Đà Nẵng để trở thành đội bóng xuất sắc nhất trong lịch sử của giải U21 quốc gia khi lần thứ 4 đoạt ngôi vô địch. Ngoài chiếc cúp vô địch, đội bóng xứ Nghệ cũng đã thâu tóm luôn những danh hiệu cá nhân cao quý nhất khi một mình Quang Nam đoạt 2 danh hiệu: Cầu thủ xuất sắc nhất và Vua phá lưới.
Cùng với đó, HLV Đinh Văn Dũng cũng trình làng một loạt các tài năng trẻ mà bất cứ đội bóng nào ở V.League cũng phải thèm khát như: Quang Nam, Đình Bảo, Hoàng Thịnh, Phi Sơn… điều này tiếp tục chứng minh dù không được đầu tư xây dựng như các trung tâm đào tạo bóng đá hoành tráng và tiện nghi như Hoàng Anh Gia Lai, SHB Đà Nẵng, Hà Nội T&T hay Viettel… thì SLNA vẫn là “lò” đào tạo bóng đá trẻ số 1 hiện nay khi bộ sưu tập Cúp vô địch của các giải U17, U19, U21 toàn quốc tại phòng trưng bày truyền thống của CLB SLNA đã xấp xỉ lên đến con số 20; các cầu thủ xứ Nghệ vẫn chiếm số đông tại các đội tuyển quốc gia!
Trong sự thành công đó, cũng phải kể đến Giải Bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An - là “chân đế vững chắc”, “nơi phát hiện nhân tài”… cho “lò” đào tạo SLNA. Năm nay giải đấu này đã bước sang lần thứ 16, giải tiếp tục thu hút được nhiều cầu thủ nhí học giỏi, đá bóng hay ở khắp mọi miền xứ Nghệ tham dự. Theo ông Bùi Danh Tiếu – “tuyển trạch viên” của CLB Sông Lam Nghệ An, người theo dõi không sót một trận đấu nào của các đội bóng nhi đồng “xem giò, xem cẳng” các cầu thủ nhí để tuyển chọn những cầu thủ có năng khiếu vào “lò” Sông Lam thì: Chưa có mùa giải nào mà số lượng VĐV được các HLV Sông Lam “chấm điểm” nhiều như năm nay, với 64 cầu thủ lứa tuổi nhi đồng và gần 20 cầu thủ lứa tuổi thiếu niên được Ban đào tạo trẻ CLB SLNA tuyển chọn.
Tiến bộ vượt bậc của Thể thao học đường
Những tháng đầu năm 2012, Nghệ An tổ chức thành công Hội khoẻ Phù Đổng (HKPĐ) từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Với thế và lực của một tỉnh giàu truyền thống hiếu học, tháng 6 năm 2012, Nghệ An vinh dự được Bộ GD-ĐT chọn đăng cai tổ chức HKPĐ toàn quốc khu vực III. Tại sân chơi này, Đoàn chủ nhà Nghệ An đã đoạt 3HCV, 13HCB, 19HCĐ, xếp thứ 5 với 680 điểm trên tổng số 12 đoàn.
Thành công bước đầu ở HKPĐ khu vực đã tạo tiền đề giúp tuổi trẻ học đường Nghệ An vững tin hòa chung khát vọng nhanh hơn, cao hơn, xa hơn đi tham dự HKPĐ toàn quốc lần thứ VIII-2012 được tổ chức tại TP Cần Thơ. Lần đầu tiên, Nghệ An đã cử đến kỳ đại hội này số lượng VĐV đông nhất với 181 VĐV tranh tài ở 15/19 bộ môn, đây được xem là cuộc biểu dương lực lượng thể thao học đường Nghệ An, thể hiện chủ đề "Sức mạnh Phù Đổng trên đường hội nhập và phát triển".
Tại HKPĐ toàn quốc lần này, mặc dù phải cạnh tranh với nhiều tỉnh, thành có phong trào thể thao học đường khá mạnh, nhưng với nỗ lực vượt lên chính mình, thi đấu trên tinh thần trung thực cao thượng, nêu cao lòng tự hào của người dân xứ Nghệ, các VĐV Nghệ An đã có những thành tích vượt bậc và lần đầu tiên lọt vào top 10 trên bảng tổng sắp huy chương. Các VĐV Nghệ An đã đoạt 7 HCV, 7 HCB và 8 HCĐ, xếp thứ 9/63 đoàn tham dự. Ở bộ môn bóng đá, Nghệ An xếp thứ nhất toàn đoàn với 1 HCV môn bóng đá THPT, 1 HCV môn bóng đá Tiểu học và 1 HCB môn bóng đá THCS. Các môn khác như taekwondo đoạt 2 HCV; cờ vua, điền kinh, vovinam mỗi môn đoạt 1 HCV… Sự thành công ở HKPĐ năm nay đã góp phần nâng cao vị thế của thể thao xứ Nghệ và là tiền đề cho tỉnh ta đăng cai tổ chức HKPÐ toàn quốc lần thứ IX năm 2016.
Thể thao thành tích cao và phong trào tiếp tục phát triển mạnh
Trong năm nay, Nghệ An cũng đăng cai tổ chức thành công nhiều giải đấu quốc gia ở nhiều bộ môn như: Giải Cờ vua các nhóm tuổi trẻ miền Trung mở rộng lần thứ 10, Giải Bi sắt vô địch trẻ thiếu niên toàn quốc, Giải Vô địch kickboxing nam, nữ toàn quốc, Giải Vô địch Vật dân tộc toàn quốc lần thứ 16… Tại các giải đấu đó, đoàn chủ nhà Nghệ An đã có những bước tiến bộ vượt bậc và đoạt được các thứ hạng cao, nổi bật nhất là ở bộ môn kickboxing có tới 8 VĐV vào thi đấu ở các trận chung kết và đoạt 5 HCV, 3 HCB, 6 HCĐ. Trong năm 2012, các VĐV Nghệ An thành tích cao đã đem về …. HCV,… HCB, … HCĐ ở các giải đấu quốc gia và quốc tế.
Giải chạy việt dã vì cộng đồng.
Cùng với tổ chức thành công các giải đấu quốc gia, có nhiều VĐV chuyên nghiệp đoạt huy chương tại các giải đấu trong nước và quốc tế, nhiều giải thể thao phong trào của các cơ quan, cấp ngành, cấp tỉnh cũng được tổ chức, như: Giải Chạy việt dã vì cộng đồng, Giải Thể thao truyền thống Khối Các cơ quan tỉnh, Giải Cầu lông truyền thống lần thứ X của Đảng uỷ khối Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An, Giải Thể thao Báo Nghệ An mở rộng, Giải Bóng chuyền thanh niên trong các khu kinh tế, Giải Gia đình thể thao tỉnh, Giải Quần vợt CLB Trường Sơn lần thứ nhất, Giải Cầu lông vô địch các lứa tuổi tỉnh, Giải Thể thao truyền thống Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Giải Thể thao người cao tuổi… Hàng chục giải đấu cấp tỉnh, hàng trăm giải đấu cấp huyện, ngành, đơn vị, địa phương đã thu hút hàng nghìn VĐV không chuyên ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề tham dự, tạo nên những sân chơi bổ ích cho mọi người dân, làm cho phong trào xã hội hoá thể thao ở Nghệ An ngày càng phát triển rộng khắp, tạo nền móng vững chắc cho thể thao thành tích cao phát triển.
Bóng đá trẻ và thể thao học đường lên ngôi
Đức Chuyên