(Baonghean) - Mỗi khi nhắc đến xứ Nghệ - mảnh đất đầy nắng và gió bên dòng sông Lam, người ta thường nói đến tính cần cù chịu khó, vươn lên học giỏi để thoát nghèo. Ngày nay, ngoài chuyện học để thoát nghèo, miền quê xứ Nghệ còn nổi tiếng với CLB bóng đá SLNA!

images1136641_ban_to_chuc_trao_sieu_cup_2011_cho_slna.jpgBan tổ chức trao Siêu Cup 2011 cho SLNA.
 
Từ những chân ruộng khô nứt nẻ, những triền đê gió Lào nắng rát, xứ Nghệ đã sản sinh ra rất nhiều tài năng bóng đá. Có thể kể sơ qua những lứa cầu thủ từng làm rạng danh bóng đá Việt lúc chúng ta mới gia nhập sân chơi SEA Games như: Hữu Thắng, Quang Trường, Phi Hùng, Sỹ Hùng, Sỹ Thủy, Văn Lưu... lứa đàn em có Hồng Sơn, Văn Quyến, Quốc Vượng, Công Vinh, Trọng Hoàng, Văn Hoàn... và mới đây là Phi Sơn, Mạnh Hùng, Tuấn Tài, Nguyên Mạnh... 
 
Những chiến công, thành tích của bóng đá Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua đều mang dấu giày của các cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo Sông Lam Nghệ An. Có thể kể đến như “cú đúp” của tiền đạo Văn Sỹ Hùng trong trận hòa nghẹt thở trước Indonesia ở SEA Games 1997  khi đội tuyển Việt Nam liên tiếp bị dẫn trước và bị mất người do Đỗ Khải lĩnh thẻ đỏ. Hay bàn thắng ấn định tỉ số 3-0 vào lưới tuyển Thái Lan ở Tiger Cup 1998, bàn thắng duy nhất trong trận tái đấu với Singapore tại Dunhill Cup 1999...
 
Khán giả Việt Nam cũng không thể quên được những cú xoạc bóng dũng mạnh của trung vệ thép Hữu Thắng hay sự lì lợm của Trường “trâu” trong những pha tranh chấp tay đôi mỗi khi tuyển Việt Nam đối mặt với các đối thủ mạnh. Năm 2000, tại giải U16 châu Á, những cầu thủ nhí SLNA lúc đó là Văn Quyến, Đức Anh, Lâm Tấn, Như Thuật, Minh Đức... đã xuất sắc quật ngã U16 Trung Quốc để lọt vào trận bán kết.
 
Lần tuyển Việt Nam gây nên “động đất” tại vòng loại ASIAN Cup 2004 khi thắng Hàn Quốc - đội vừa xếp thứ tư tại World Cup 2002 cũng bằng bàn thắng duy nhất của tiền đạo Văn Quyến. Rồi chức vô địch Đông Nam Á duy nhất của tuyển Việt Nam đến nay tại AFF Suzuki Cup 2008 là nhờ sự xuất sắc của thủ thành Hồng Sơn – cầu thủ được bầu hay nhất tại giải đấu này và cú đánh đầu lịch sử của Công Vinh ấn định chiến thắng 3-2 cho Việt Nam trước Thái Lan...
Một góc bộ sưu tập Cúp của SLNA trong phòng truyền thống
 
Không chỉ đóng góp nhiều tuyển thủ xuất sắc cho các đội tuyển quốc gia, Sông Lam Nghệ An còn “xuất khẩu” cầu thủ cho các CLB trong và ngoài nước. Những cái tên nổi đình nổi đám, thế lực mạnh của bóng đá Việt Nam hiện nay hay trước đây như Hà Nội T&T, Bình Dương, SHB Đà Nẵng, Ninh Bình, Sài Gòn Xuân Thành.... đều có sự góp công của các cầu thủ Nghệ An. Chính các cầu thủ Nghệ An cũng là những người lần đầu tiên lập nên kỷ lục những thương vụ chuyển nhượng đình đám hàng chục tỷ đồng trên thị trường bóng đá Việt Nam.
 
Mỗi lần bóng đá Nghệ  An đoạt giải, nhiều người lại nói vui rằng: Thành tích Sông Lam Nghệ An “biết khi mô cho cạn”. Bởi kể từ khi thành lập V.League đến nay, Sông Lam Nghệ An là câu lạc bộ duy nhất lập kỷ lục lên hạng đầu tiên và chưa bao giờ rớt hạng! Tại các giải đấu trẻ U15, U17, U19, U21... đội bóng SLNA đang giữ kỷ lục là đội nhiều lần vô địch nhất!
CĐV SLNA cũng là một “đặc sản” của bóng đá xứ Nghệ
 
Bóng đá Nghệ An còn được biết đến với các CĐV cuồng nhiệt không khác gì CĐV xứ sở Samba huyền thoại của vua bóng đá Pêlê. Còn nhớ, từ những mùa giải đầu tiên SLNA lên chơi ở V.League, khán giả xứ Nghệ khắp mọi miền quê, bằng nhiều phương tiện giao thông, lũ lượt kéo đến sân Vinh xem bóng đá. Người không mua được vé vào sân thì “mua vé thang” để trèo tường vào. Ai không vào được thì trèo lên cây, lên mái nhà gần sân để cổ vũ. Sự cuồng nhiệt đam mê đó đã khiến cho sân vận động Vinh được mệnh danh là “chảo lửa”, là sự ngán ngại của bất kỳ đội bóng nào mỗi lần hành quân đến Nghệ An. Đến nay, niềm đam mê bóng đá của người dân xứ Nghệ đã lan đến tận các tỉnh thành  khắp cả nước. Mỗi lần SLNA hành quân đến đâu, ở đó đều rực một màu vàng CĐV xứ Nghệ. Đã có những “Chảo lửa Thành Vinh” giữa Sài Gòn, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Tháp... khiến cho các đội bóng, các CĐV các vùng miền khác thèm muốn được sống trong không khí cuồng nhiệt bóng đá của người dân Nghệ An.
 
Niềm đam mê bóng đá đã trở thành chất xúc tác, cố kết những người con xứ Nghệ làm ăn xa quê. Đã có những hội CĐV xứ Nghệ được thành lập ở các tỉnh thành, những giải bóng đá giao hữu xứ Nghệ được tổ chức tận Matxcơva Liên bang Nga, hay ở Đức. Bóng đá Nghệ An trở thành thương hiệu, ăn vào máu thịt của CĐV và trong cái nhìn ngưỡng mộ của nhiều người. Những câu khẩu hiệu như “Đá tận tụy để dân thương, đá đẹp để dân sướng, đá trung thực để dân tin, đá thắng để dân vui”, “Sông Lam Nghệ An niềm tự hào của xứ Nghệ”, “Sông Lam Nghệ An ngoan cường tiến lên”, “Giận thì giận, thương lại càng thương”... trở thành “đặc sản” của bóng đá Nghệ An! 
SLNA luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp
 
Có được thương hiệu Sông Lam Nghệ An như ngày nay, theo ông Nguyễn Hồng Thanh - Tổng Giám đốc Công ty CP Sông Lam-Giám đốc CLB SLNA là nhờ: “Bóng đá xứ Nghệ có truyền thống và được xây dựng từ bóng đá phong trào như Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An, Giải bóng đá nông dân toàn tỉnh... được đưa vào chương trình đào tạo có hệ thống từ nhiều thập kỷ qua. Cùng với đó là tình yêu, niềm đam mê bóng đá, tố chất của con người xứ Nghệ, sự quan tâm của chính quyền địa phương và lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ... tất cả đã làm cho bóng đá Nghệ An có bản sắc riêng, có thương hiệu riêng và trở thành trung tâm đào tạo bóng đá có uy tín, truyền thống trong cả nước.
 
Trong giai đoạn cơ chế thị trường hiện nay, sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp tài trợ rất quan trọng. Trong những năm qua, SLNA đã nhận được sự đầu tư tài trợ rất lớn từ Ngân hàng Bắc Á. Nhưng để góp phần làm cho SLNA ngày càng lớn mạnh thì cũng rất cần sự chung tay của các “mạnh thường quân”! Theo ông Thanh thì đầu tư vào bóng đá Nghệ An là vừa để giúp quê hương nhưng thông qua bóng đá, doanh nghiệp cũng quảng bá được thương hiệu của mình.
 
Đức Chuyên