Đội bóng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (HLHT FC) tiền thân là CLB Hà Nội B - đội bóng sân sau của ông bầu Đỗ Quang Hiển tại giải Hạng Nhất. Sau khi trở thành CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Hà Tĩnh chính thức có một đội bóng chuyên nghiệp.
Sau khi giành chiến thắng 1-0 trước XM Fico Tây Ninh ở vòng đấu thứ 20, CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh có được 47 điểm, bỏ xa đối thủ và chính thức đủ điều kiện lên chơi V.League 2020 sớm trước 2 vòng đấu. Sau trận đấu gặp Long An vào chiều nay, Hà Tĩnh chính thức nâng chiếc cúp vô địch.
Như vậy, năm tới đây, sẽ có “Derby xứ Nghệ” của bóng đá Việt Nam giữa Sông Lam Nghệ An và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Đây là điều mà không chỉ CĐV Hà Tĩnh mà CĐV SLNA cũng rất chờ đợi.
Mặc dù vậy, CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và người hâm mộ dường như chưa thực sự sẵn sàng cho Giải VĐQG. Khán giả đến sân theo dõi hai trận gần đây là không như mong đợi. Mọi thứ đến quá nhanh với những người yêu bóng đá Hà Tĩnh. Thành phần CLB HLHT không mang “chất Hà Tĩnh” trong đội hình, tất cả đều là những cầu thủ của CLB Hà Nội B. Và dĩ nhiên, yếu tố bản sắc, màu cờ sắc áo sẽ là một vấn đề cho Hà Tĩnh trong năm tới.
Về chuyên môn, để một đội bóng có thể trụ lại V.League thì công tác đào tạo trẻ là rất quan trọng. Không thể phủ nhận Hà Tĩnh là nơi sản sinh ra nhiều cầu thủ ưu tú của bóng đá Việt Nam như Đinh Thanh Trung, Trần Phi Sơn, Bùi Tiến Dũng. Nhưng rõ ràng, CLB HLHT chưa có đủ nền tảng từ lứa cầu thủ trẻ kế cận, đào tạo trẻ cũng mới chỉ bắt đầu gây dựng và được để mắt đến. Ngay cả lò SLNA cũng gặp nhiều khó khăn và phải gọi trở lại những cựu binh để chắp vá lực lượng.
Và điều quan trọng nhất để một CLB sẵn sàng cho những cuộc đua khốc liệt tại V.League chính là nguồn tài chính. CLB HLHT tiền thân là CLB Hà Nội B đã được ông bầu Đỗ Quang Hiển chuyển giao lại cho Công ty Cổ phần Bóng đá Hồng Lĩnh. Nhưng vấn đề, ai sẽ là người đỡ đầu, nhà tài trợ chính cho công ty này.
Nếu không có một ông bầu đủ tiềm lực tài chính, khó khăn sẽ là chồng chất với bất kỳ đội bóng nào không riêng gì HLHT. Mỗi năm, một CLB tại V.League tiêu tốn khoảng 50 - 60 tỷ đồng, đây là số tiền mà không hề nhỏ trong bối cảnh bóng đá chưa thể sinh lời theo hướng chuyên nghiệp như hiện nay.
Một khi chưa xác định được nhà tài trợ và nguồn đầu tư vào bóng đá, sẽ rất khó để HLHT có thể bổ sung lực lượng, sẵn sàng chinh chiến những trận đấu đầy cam go tại V.League. Giải đấu vốn rất khốc liệt với những đối thủ cực mạnh, lắm tiền nhiều của như Hà Nội, TP HCM, Quảng Nam, Bình Dương, Viettel.
Lấy một ví dụ, như tân binh Viettel vừa thăng hạng V.League 2019 với công tác đào tạo trẻ thuộc diện tốt nhất Việt Nam. Những cầu thủ trưởng thành từ lò Viettel như Hoàng Đức, Trọng Đại… đều là những cầu thủ rất chất lượng của U22 Việt Nam.
Cộng thêm sự có mặt của những tuyển thủ như Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Tiến Dũng và ngoại binh đắt giá nhưng Viettel vẫn gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc đua trụ hạng. Chưa kể Viettel là đội bóng thừa hưởng truyền thống của Thể Công - một tượng đài của bóng đá Việt Nam và nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo đội bóng.
Dẫu sao, việc Hồng Lĩnh Hà Tĩnh thăng hạng lên chơi V.League 2020 cũng là một điều đáng mừng. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy bóng đá Hà Tĩnh phát triển và tạo sân chơi cho những cầu thủ, khán giả Hà Tĩnh. Tuy nhiên, có vẻ như bóng đá Hà Tĩnh vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể trụ lại V.League trong thời gian lâu nhất./.