(Baonghean) - Tình cờ gặp Thảo tại TP Vinh, so với 10 năm trước ở cuộc Sao Mai 2003, Phạm Phương Thảo bây giờ đã là một ca sỹ hàng đầu của dòng nhạc dân gian. Thảo già dặn hơn, lại càng thêm phần đằm thắm và bản tính người Nghệ trong em vẫn thế: thẳng thắn, bộc trực.Nhà của bố mẹ Phương Thảo cách Quốc lộ 1A chừng 1 km, nằm cạnh đồng lúa ở cuối xóm 4, xã Nghi Trung (Nghi Lộc) - “Ngôi nhà này đã là nơi em sinh ra, lớn lên và bây giờ cũng là chỗ dựa tinh thần khi em gặp điều không như ý. Hiện nay lập nghiệp, sinh sống ở Hà Nội, nhưng mỗi tháng em đều về đây ở với bố, mẹ, anh chị 5-6 ngày”. Dẫn khách vào nhà, dưới hàng cau, tán lá mít, xoài, nhãn trong khu vườn rộng, Phương Thảo chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề…Ca sỹ Phạm Phương Thảo sinh năm 1982, năm 2002, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, năm 2003 vào làm việc tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Năm 2000, 2001, 2002  liên tiếp Thảo giành Huy chương Vàng tại các hội diễn toàn quốc chuyên nghiệp. Năm 2003 đạt giải Ba Sao Mai Tiếng hát Truyền hình và giải “Ca sĩ được yêu thích nhất” do khán giả bình chọn.

“Bởi em là gái Nghệ' ảnh 1

Ca sỹ Phương Thảo.

Và từ Sao Mai 2003, Phương Thảo đã đạt nhiều thành công trong sự nghiệp, đó là thêm 1 huy chương vàng ở hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc; ra được 11 CD và 1 DVD. Ở mỗi chương trình Phương Thảo xuất hiện hay mỗi bài hát cô thể hiện đều được sự ủng hộ, yêu thích của công chúng nghe nhạc. Với Thảo, bước tiến dài trong công việc ca hát của mình là đã tạo được dấu ấn nhất định trong lòng công chúng; và đơn giản “ở mỗi chương trình cô tham gia đều được mọi người quan tâm, đó chính là thành công, là sự yêu mến của mọi người dành cho. Đối với một người nghệ sỹ, hạnh phúc đó là đã quá lớn rồi”...Từ khi bước chân vào nghề ca hát đến nay, công chúng nghe nhạc luôn nhớ, luôn yêu về giọng hát ngọt ngào, nhưng rất riêng của Thảo. Những ca khúc “ Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Xa khơi”, “Quảng Bình quê ta ơi”, “Bài ca thống nhất”, “Khúc hát sông quê” và “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” do Phương Thảo trình bày rất đặc sắc và giàu cá tính. Và đến bây giờ, nhiều khán giả đã đánh giá rất cao ở Phương Thảo là một ca sỹ hát dòng nhạc dân gian mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh.Phương Thảo cho rằng: Nghệ thuật ban đầu vốn là sự bắt chước; nhưng để định hình nên phong cách riêng, người nghệ sỹ phải tạo dựng được những dấu ấn riêng. Và để làm được điều đó phải thực sự cảm nhận, hiểu được tác phẩm, sau đó bằng cảm nhận, tư duy của cá nhân mình  để thể hiện bài hát bằng cả trái tim, nhiệt tình. Nếu không có sự trau dồi thường xuyên, ý thức thay đổi mình mà cứ hát bằng cách “vay mượn” lối hát của người khác để rồi luyến láy thì đó là thất bại. Nghệ thuật là sự sáng tạo chứ không nên đi theo lối mòn, na ná và giông giống với một ai đó... Chính quan niệm nghệ thuật này đã giúp cho Phương Thảo có những sáng tác đầu tay cho riêng mình. Hai bài hát cũng là tên của hai Album “Gái Nghệ” và “Cho em thôi chòng chành” lần lượt ra đời trong năm 2013, được người nghe nhạc đánh giá cao. “Vì hỡi gom từng giọt mà thành ớ Lam Giang/ Gom từng câu ví mà nên ơ xứ Nghệ / Gom lời ru mẹ để có em giữa đời… Bởi em là gái Nghệ, gái Nghệ uống nước dòng Lam /Hát câu ví dặm mà nên em / Sắc như dao, mềm như lụa và thủy chung.” Giải thích về bài hát, Phương Thảo cho hay: Nhờ mình sinh ra trên quê hương xứ Nghệ ân tình nên đã được thừa hưởng những giai điệu đò đưa, lời ru ví giặm; nắng đốt mưa hun nên hạt lúa quê ta cũng thấm đẫm mồ hôi; và xứ Nghệ như dáng mẹ gánh hai đầu đất nước… Phải nói rằng, bài hát được Phương Thảo thể hiện rất  thành công. Có lẽ hát tác phẩm do chính mình sáng tác, nên giàu xúc cảm. Dù chưa muốn sớm đặt mình vào vai trò của nhạc sỹ, nhưng trong năm 2012 Thảo cũng có thêm “Cho em thôi chòng chành”. Bài hát được phổ từ một bài thơ cùng tên do Thảo viết nên trong một giai đoạn tâm trạng “chòng chành”... “Đò xưa giờ đã qua sông/ thời thương nhớ bến thì đừng ngó sang/ ngổn ngang ruột nát lòng tan/ đau thì em chịu, người cười em vui”. Bài thơ “chòng chành” lại được thể hiện bằng thể lục bát cũng là một điều lạ... Thảo cho hay “Chòng chành” là cảm xúc nhất thời. Người Nghệ mình không giận ai lâu, không buồn được mãi và chòng chành cũng vậy. Giữa “chòng chành”, người Nghệ thường nhanh chóng ổn định và tự chủ.Không nói nhiều về dự định trong tương lai, nhưng Phương Thảo quả quyết: Trước ra sao, sau này em vẫn vậy - hát dòng nhạc truyền thống, ca khúc mang âm hưởng Nghệ Tĩnh bằng tất cả đam mê; nắm bắt nhu cầu của công chúng để có sự điều chỉnh, nhưng vẫn giữ nguyên hình ảnh, bản chất con gái Nghệ trong cuộc sống đời thường và đời sống âm nhạc”. Phương Thảo cười hóm hỉnh: “Có muốn thay đổi tui cũng không mần được, bởi tính cách Nghệ không dễ gì thay đổi”…

Thành Chung