Tại báo cáo gửi Thủ tướng ngày 5/3, Bộ Y tế cho biết "bệnh lưu hành" còn được một số chuyên gia gọi là "bệnh đặc hữu", là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định. Khái niệm này hướng đến tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.
Có 4 tiêu chí để đánh giá bệnh lưu hành gồm: Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; Tồn tại quần thể nhiễm trùng và ổ chứa tác nhân gây bệnh; Bệnh dịch xảy ra ở một nhóm hoặc một quần thể dân số trong địa bàn nhất định; Tỷ lệ mắc có tính ổn định và có thể dự báo.
Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi Covid-19 trong tình trạng đại dịch và dự đoán có thể có các biến thể không lường trước được của virus SARS-CoV-2. Tình hình dịch bệnh tại nhiều quốc gia vẫn diễn biến phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.
Trong nước, tuy tỷ lệ bệnh nặng, tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số tử vong ghi nhận hàng ngày vẫn ở mức cao (trên dưới 100 ca/ngày). Con số này cao hơn cả số tử vong cao điểm hàng năm do bệnh dại hoặc sốt xuất huyết, sởi - những bệnh lưu hành có số tử vong cao hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.
Về vấn đề nhiều chuyên gia, quốc gia đang thảo luận và đề xuất: coi Covid-19 là bệnh lưu hành, Bộ Y tế đã trao đổi với các chuyên gia trong nước, chuyên gia của WHO, Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ để nhận định riêng đối với bệnh Covid-19 tại Việt Nam.
Bộ Y tế cho rằng, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh Covid-19 là “bệnh lưu hành” còn được một số chuyên gia gọi là "bệnh đặc hữu" vì một số lý do.
Thứ nhất, trong nước, SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả các tỉnh, TP, số ca nhiễm cũng đã được báo cáo ghi nhận tại tất cả địa phương, tuy vậy dịch bệnh vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn “bệnh lưu hành”.
Thứ hai, tỷ lệ mắc chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt giữa các tỉnh, TP đã từng có tỷ lệ mắc cao trước đó và những nơi mới có sự gia tăng mạnh.
Thứ ba, số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ từ vong hàng đầu trước đây.
Thứ tư, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ (ví dụ biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm). Do đó, tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.
Theo Bộ Y tế, thay vào đó, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch; cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định coi Covid-19 là “bệnh lưu hành” ở thời điểm thích hợp.
Trước đó, kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả, tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là "bệnh đặc hữu".
Báo cáo tại phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tổ chức ngày 5/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đang tiến hành từng bước, hướng tới điều trị Covid-19 như điều trị bệnh thông thường.