Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là mục tiêu chung của Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020.
Bên cạnh các giải pháp như nâng cao năng lực hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc, bảo đảm cung ứng đủ các thuốc thiết yếu có chất lượng, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả, Bộ Y tế đặc biệt chú trọng công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc.
Bộ Y tế đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả; nâng cao nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế, người nuôi trồng và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản về kháng sinh và sự kháng thuốc. Bộ tăng cường công tác giáo dục truyền thông trong toàn dân, từng bước xã hội hóa công tác phòng, chống lao: vận động, yêu cầu, sử dụng các thành phần của xã hội, người thân trong gia đình người bệnh vào công tác phòng, chống lao ở mọi cấp độ và hình thức khác nhau.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, cần tích cực tuyên truyền sâu rộng phòng, chống kháng thuốc hơn nữa, trong đó có 3 thành phần đối tượng cần vận động, đó là các thầy thuốc, cán bộ y tế; bệnh nhân; người bán thuốc.
Trong đó, thầy thuốc và cán bộ y tế dứt khoát phải chỉ định, kê đơn dùng thuốc kháng sinh hợp lý, chỉ kê đơn khi cần thiết. Đối với bệnh nhân, cần phải tuyên truyền rộng rãi đến người dân để họ hiểu rằng phải sử dụng thuốc kê toa, dùng kháng sinh hợp lý, đúng chỉ định.
Về đối tượng người bán thuốc, Bộ trưởng cho biết, tại Việt Nam, nếu người dân muốn mua thuốc, có thể tới bất kỳ hiệu thuốc nào cũng mua được mà không cần toa thuốc. Trong khi đó, ở các nước, chỉ khi có toa thuốc người dân mới được mua thuốc.
Luật Dược sửa đổi đang trình Quốc hội khóa XIII quy định cấm mua, bán thuốc mà không có toa đơn thuốc bác sỹ. Cũng theo Luật mới, các dược sỹ, nhân viên bán thuốc ở các hiệu thuốc tiến tới phải bán thuốc theo đơn, nhất là các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP.
Ngoài ra, trong Luật Dược hiện hành đã cấm và có quy chế về kê đơn, có Thông tư 08 về kê đơn đối với bác sỹ, nhưng với người bán thuốc, cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử phạt.
Bộ trưởng đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Cục Quản lý Dược nghiên cứu, phối hợp để ban hành Thông tư vấn đề kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn tại các quầy thuốc, đặc biệt là các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP.
Đội ngũ cán bộ y tế, bác sỹ, điều dưỡng là phải thực hiện nghiêm chế độ kê toa, không kê bừa bãi. Vấn đề này phải thực hiện nghiêm theo quy định, xử nghiêm các bác sĩ kê toa không đúng quy định đồng thời, quản lý chặt chẽ các quầy thuốc bán lẻ, thực hiện nghiêm theo quy định chuẩn nhà thuốc và xử phạt nghiêm các nhà thuốc. Ý thức người dân phải được nâng cao để tự bảo vệ sức khoẻ của mình.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tổ chức thanh tra các nhà thuốc bán kháng sinh trên phạm vi toàn quốc, Bộ Y tế yêu cầu các bác sỹ khi kê toa cho bệnh nhân sử dụng trong 7 ngày không hết phải chẩn đoán lại, nếu sử dụng 2 loại kháng sinh trở lên phải được hội chẩn...
“Nếu chúng ta không đột phá làm một cuộc cách mạng, đến lúc nào đó, hơn 90 triệu người dân chúng ta không còn thuốc chữa” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Trước tình trạng kháng thuốc đang trở nên nghiêm trọng với nhiều chủng vi khuẩn đã kháng nhiều loại kháng sinh kể cả kháng sinh thế hệ mới; việc sử dụng kháng sinh không thích hợp, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn … đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là thuốc để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng sinh và kháng thuốc.
Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống kháng thuốc; thành lập 9 tiểu ban giám sát kháng thuốc và đơn vị Giám sát kháng thuốc Quốc gia. Bộ cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp quy về hoạt động dược lâm sàng; kê đơn, sử dụng thuốc trong điều trị; thông tin thuốc; kiểm chuẩn xét nghiệm; kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; xây dựng tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, hướng dẫn sử dụng kháng sinh; thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn, đào tạo liên tục cho cán bộ y tế để nâng cao trình độ, kỹ năng về thực hành kê đơn thuốc tốt, thực hành dược lâm sàng, đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị./.
Theo Vietnamplus