(Baonghean.vn) - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng không nên hạn chế mạng xã hội mà phải tận dụng những đặc tính siêu việt của nó.

Chiều 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Buổi chất vấn được truyền hình trực tuyến đến các điểm cầu ở các tỉnh, thành.

images1878979_anhbotruong1.jpgĐồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Tiến Hùng.

Phải tận dụng mạng xã hội

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu như Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận); Nguyễn Tọa (Lâm Đồng); Trần Công Thuật (Quảng Bình)... bày tỏ lo ngại về tình trạng thông tin xấu, độc từ các trang mạng mạo danh lãnh đạo đang tràn lan; nhiều trang mạng tung tin giả bôi nhọ cá nhân, tổ chức; kích động thù hằn… Các đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, bộ đã có những động thái gì?.

Về việc này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, thế giới đang dịch chuyển theo sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội. Quá trình này đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới. “Mạng xã hội nó giống như một con đường mà trên con đường đó có cả kẻ xấu lẫn người tốt. Nhiều người dùng nó rất có hiệu quả nhưng cũng có nhiều người lợi dụng để làm việc xấu, gây hậu quả khó lường”, Bộ trưởng Tuấn nói và cho rằng, vì đặc tính siêu việt nên mạng xã hội đóng vai trò quan trọng, trong tương lai những công cụ mạng xã hội sẽ chiếm lĩnh thông tin. Trong khi chúng ta đang hội nhập, phải tận dụng mạng xã hội và không nên hạn chế.

Việt Nam hiện là nước có số lượng người dùng mạng xã hội thuộc top đầu thế giới. Bộ trưởng Tuấn cho rằng đây là xu thế tất yếu, tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận hiện nay các thế lực thù địch đang sử dụng triệt để mạng xã hội nhằm bôi nhọ chế độ, lãnh đạo, nói xấu tổ chức, cá nhân, công kích lẫn nhau, kích động thù hằn làm nhiễu thông tin…

Các đại biểu tại điểm cầu Nghệ An quan tâm theo dõi phần trình bày các giải pháp ngăn chặn những mặt trái của mạng xã hội. Ảnh: Tiến Hùng.

Về giải pháp ngăn chặn, Bộ trưởng cho rằng, cần giải pháp hoàn thiện thể chế, đồng thời đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống; trong sạch hóa đội ngũ người làm báo; minh bạch thông tin... để “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. “Khi thông tin trên báo chính thống không đầy đủ, người dân sẽ tìm đọc trên mạng xã hội”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói và cho rằng, ngoài ra cũng cần xử phạt nghiêm minh các trường hợp sai phạm. Đối với các trường hợp không xác định được nhân thân thì yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới gỡ bỏ những thông tin vi phạm.

Với 45 triệu người sử dụng Youtube, Việt Nam đang đứng trong top 10 những nước có lượng người truy cập vào kênh này. Tuy nhiên, đây cũng là kênh nước ngoài đăng tải nhiều thông tin xấu, độc, sai sự thật… Theo Bộ trưởng Tuấn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu gỡ bỏ hơn 2.000 clip xấu, độc trên kênh này trong thời gian vừa qua;...

Thời gian tới bộ sẽ phối hợp với Facebook để gỡ bỏ những trang giả mạo. Bên cạnh đó là các giải pháp kỹ thuật, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho công chúng. Ngoài ra, bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế để quản lý chặt chẽ vấn đề này...

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn. Ảnh: Tiến Hùng.

Vấn nạn sim rác

Trả lời chất vấn về vấn đề tin nhắn rác vẫn đang nhức nhối, Bộ trưởng Tuấn cho hay, sở dĩ chưa giải quyết được triệt để vấn đề này là vì lợi ích của nhiều bên, cả nhà mạng lẫn đại lý và người dùng. Vừa qua bộ cũng đã xử lý khá quyết liệt vấn đề sim rác. “Chúng tôi nhận thấy cách làm trước đây ‘vừa thả gà vừa bắt gà’, không hiệu quả. Tại sao không chặn mà thả ra rồi đi bắt từng con. Cách xử lý đại lý cũng không hiệu quả mà phải chặn ngay từ nhà mạng, truy trách nhiệm từ nhà mạng, ngăn chặn ngay từ trên hệ thống”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói và cho hay, từ tháng 10/2016 đến nay, bộ đã thu hồi được 20 triệu sim rác. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn số lượng khá lớn.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tuấn còn đưa ra một số giải pháp như quản lý chặt chẽ tài nguyên kho số quốc gia, giảm đầu sim 11 số; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời bộ cũng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính để đề xuất cấp thẩm quyền quy định nâng cao mức phạt; tăng cường khuyến khích người dùng sử dụng sim trả sau...

 

Nhiều chương trình truyền hình thực tế phản cảm

Một số đại biểu phản ánh chương trình truyền hình, đặc biệt truyền hình thực tế có nhiều hình ảnh phản cảm,  Bộ trưởng cho biết đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Vừa qua nhiều chương trình đã đưa tin không chính xác, thậm chí ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp như: Phóng sự "Dùng chổi quét rau"; một số chương trình gameshow... của VTV, HTV đã dàn dựng chi tiết không đúng sự thật, hình ảnh phản cảm...

Bộ đã có những hình thức nhắc nhở, xử phạt nghiêm khắc, đúng quy định.

Để tránh những sai sót như trên trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác hậu kiểm; xử lý nghiêm sai phạm; thậm chí sẽ thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của cơ quan báo chí sai phạm. Bên cạnh đó, Bộ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo...

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đã trả lời đồng thời đưa ra các giải pháp về các vấn đề an ninh mạng, thông tin điện tử trong xã hội….

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN