Báo cáo trước Quốc hội tại phiên thảo luận sáng 26/5, ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Tài chính cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, người dân, chuyên gia, cơ quan này quyết định sẽ không tăng thuế VAT lên 12% như dự kiến, mà vẫn giữ ở mức 10%. Thay vào đó, Bộ Tài chính sẽ cơ cấu lại các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 0%, 5% nhằm đảm bảo công bằng, hạn chế chính sách an sinh xã hội được lồng ghép trong chính sách thuế, làm mất tính trung lập của thuế.
Trước đó, trong các đề xuất đưa ra giữa năm 2017 Bộ Tài chính từng muốn tăng thuế suất VAT các mặt hàng, dịch vụ chịu thuế 5% lên 6%; nhóm mặt hàng dịch vụ thuế 10% lên 12% từ đầu năm 2019.
Theo các nhà phân tích, thực tế đề xuất này không nhằm bảo vệ cho người thu nhập thấp. "Việc Nhà nước giảm thuế thu nhập nhưng tăng những thuế khác đánh vào người tiêu dùng như thuế giá trị gia tăng (VAT) là một hình thức "đứng về phía người giàu và đẩy gánh nặng thuế lên vai toàn dân", Tiến sĩ Bùi Trinh nói.
Cũng tại phiên thảo luận, đề cập tới thuế tài sản, Bộ trưởng Tài chính cho hay, Bộ này sẽ tiếp tục nghiên cứu nội dung này sau khi tiếp thu ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, người dân.
Ông nói, dự thảo Luật Thuế tài sản vừa qua được công bố nêu mục tiêu đánh thuế tài sản để tăng thu thêm cho ngân sách, song "đây chỉ là một mục tiêu thứ yếu".
"Thuế tài sản sẽ được thiết kế theo hướng tạo công bằng xã hội, đảm bảo minh bạch, chống tham nhũng", ông Dũng khẳng định.
Về thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Dũng nói, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, sửa theo hướng mở rộng đối tượng, mở rộng cơ sở thu thuế, điều chỉnh mức thuế hợp lý, phù hợp với nhu cầu bảo vệ môi trường và định hướng tiêu dùng.