Theo RT, Ngân sách quân sự của Nga từng được tăng lên vài năm trước để phục vụ một chương trình tái vũ trang quy mô lớn, nhưng trong những năm gần đây đã được giảm bớt. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính Nga là nước chi cho quốc phòng nhiều thứ 6 thế giới trong năm 2018, xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Saudi Arabia, Ấn Độ và Pháp. Trong khi đó, Lầu Năm Góc của Mỹ đã “vung tiền” dưới chính quyền Trump, áp đảo ngân sách quân sự của các nước khác.
Song người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga khẳng định người Nga không có lý do gì phải lo lắng, vì tiền thuế của họ được chi tiêu một cách hợp lý.
“Mỹ tiêu những khoản tiền khổng lồ vào các nhà thầu quân sự tư nhân, vào tàu sân bay. Vậy, liệu Nga có thực sự cần 5-10 nhóm tác chiến tàu sân bay không, khi mà chúng tôi không có ý định tấn công bất kỳ ai?” - Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu nói với một tờ báo của Nga.
“Chúng tôi cần những thứ có thể sử dụng để chống lại nhóm tác chiến tàu sân bay của kẻ thù nếu đất nước của chúng tôi bị tấn công. Chúng đỡ tốn kém hơn nhiều mà lại hiệu quả hơn”, ông nói thêm.
Bộ trưởng Shoigu cũng chỉ trích Washington vì thói xấu là biện minh cho các cuộc can thiệp quân sự trên khắp thế giới của họ bằng việc đề cập lợi ích của người dân sống tại các quốc gia mà họ nhắm đến.
“Tại quốc gia nào họ đến ‘để đem dân chủ đến’ có nền dân chủ phát triển? Liệu đó là Iraq, Afghanistan hay Syria?”, Shoigu phát biểu. “Và người ta chắc chắn có thể quên đi chủ quyền và độc lập sau sự can dự của Mỹ”.
Ông nói thêm rằng Mỹ dường như không giảm ham muốn phá hoại các nước khác, dù thông qua can thiệp quân sự hay các cách khác.
“Các đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi thích cáo buộc Nga phát động "các cuộc chiến tranh lồng ghép" hay gì đi chăng nữa. Tôi khẳng định phương Tây mới là bên tiến hành cuộc chiến lồng ghép thực sự. Mỹ hiện đang sắp rời Afghanistan trong tình trạng bị tàn phá, đổ nát và đồng thời họ đang cố khuấy động tình hình tại Venezuela - tất cả dĩ nhiên là vì "chiến thắng của nền dân chủ”.
Cũng theo RT, năm nay, Mỹ đã tìm cách lật đổ chính phủ Venezuela bằng cách hậu thuẫn cho Juan Guaido, nhân vật tự xưng là tổng thống lâm thời của quốc gia Mỹ Latinh này. Tuy nhiên, động thái tự phong của ông này không thành công. 2 âm mưu khơi mào cuộc nổi dậy quy mô lớn của người dân và lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro đều thất bại, dù Washington hứa hẹn rằng họ sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Venezuela khi nhân vật mà họ hậu thuẫn lên nắm quyền kiểm soát.