Điều này không khác gì việc một quan chức bị sa thải sau khi nghỉ việc và là minh chứng rõ nhất cho thấy căng thẳng giữa Tổng thống và người đứng đầu Lầu Năm góc đã lên đến đỉnh điểm. Quyết định nghiêm trọng này không chỉ khiến nội các Mỹ xáo trộn mà đồng minh của Washington cũng “đứng ngồi không yên”.
Cái kết được báo trước
Thay đổi nhân sự không phải điều bất ngờ trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng sự ra đi của bất cứ quan chức nào trong nội các này cũng là một câu chuyện đầy kịch tính. Lần này đến lượt người đứng đầu Lầu năm góc - James Mattis.
Báo chí Mỹ cho rằng, thời điểm đó, có vẻ như Tổng thống Trump không đọc lá thư từ chức của ông Mattis nên không biết rằng trong đó, Cựu Tướng 4 sao thủy quân lục chiến đã có những lời chỉ trích khá nặng nề với mình.
Vậy nên vài ngày sau đó, dường như đã đọc kỹ lá thư trên, ông Trump ngay lập tức thay đổi quyết định để ông Mattis ra đi sớm hơn dự định, cụ thể là vào ngày 1/1/2019.
Ông còn tuyên bố sẽ bổ nhiệm cấp phó của ông Mattis là ông Patrick M. Shanaha làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng trong thời gian ông tìm kiếm nhân sự thay thế lâu dài.
Việc ông Mattis bị sa thải sau khi xin nghỉ việc là đỉnh điểm cho một tuần hỗn loạn tại Lầu Năm góc cũng phản ánh mức độ nghiêm trọng trong mối quan hệ công việc giữa ông và Tổng thống Donald Trump.
Còn nhớ, khi chọn ông Mattis làm Bộ trưởng Quốc phòng trước khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump đã dành nhiều lời “có cánh” cho vị tướng này.
“Ông Mattis là một trong những vị tướng tài giỏi nhất mà chúng ta có trong nhiều thập kỷ, một lãnh đạo phi thường trong thời đại của chúng ta”. Trong năm đầu cầm quyền với chiến dịch “thanh lọc” nội các liên tục, ông James Mattis vẫn giữ vững vị trí mình.
Thế nhưng, cuối cùng, ông vẫn nhận kết quả tương tự với nhiều quan chức khác, hoặc từ chức, hoặc bị sa thải, bao gồm cả Ngoại trưởng Rex Tillerson...
Trong thư từ chức, ông Mattis ngầm chỉ trích chính sách đối ngoại của ông chủ Nhà Trắng, cho rằng ông Trump không coi trọng các đồng minh thân cận và không có quan điểm quyết liệt với đối thủ như Nga và Trung Quốc.
Hồi tháng 10, trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS, Tổng thống Trump đã đánh tiếng về việc ông “không hài lòng” với “một số người” trong chính quyền của mình. Một số người nhận định ông Mattis nằm trong số đó.
Mừng hay lo?
Sự “ra đi” của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis cho thấy không có vị trí nào là chắc chắn hay cố định trong chính quyền của Tổng thống Trump. Giải thích việc liên tục xáo trộn nội các, ông Trump từng tuyên bố là do nhu cầu cần thiết phải thay đổi và để có một đội ngũ tốt nhất.
Theo giới quan sát, “đội ngũ tốt nhất” mà ông đề cập không phải những chính trị gia giàu kinh nghiệm nhất hay những người giỏi nhất mà là những người “đồng lòng” nhất với ông.
Về lý thuyết, việc có một nội các đoàn kết, đồng thuận là thuận lợi lớn cho một chính quyền. Tuy nhiên, nhiều người Mỹ đang lo ngại cách làm của ông Trump.
Ông Henry Olsen, nhà nghiên cứu cấp cao làm việc tại Trung tâm chính sách công và đạo đức đánh giá, Tổng thống Trump đang tự mình hoạch định chính sách an ninh và đối ngoại. Ông sẽ gạt bỏ những quan điểm trái ngược hoặc những đề xuất “không phù hợp”.
Hơn nữa, tính đến thời điểm này, ông Mattis được nhận định là là quan chức giàu kinh nghiệm và có khả năng đề ra chiến lược an ninh quốc phòng hiệu quả nhất trong Chính quyền Trump. Vì thế, sự rút lui của ông sẽ là một mất mát lớn cho nội các Mỹ.
Không chỉ nội bộ Mỹ lo ngại, sự thay đổi nhân sự của Lầu năm góc đang khiến các đồng minh Mỹ “đứng ngồi không yên”. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi Bộ trưởng Mattis là người ủng hộ mạnh mẽ việc duy trì mối quan hệ truyền thống với những đồng minh thân cận, trái ngược với cách tiếp cận mang tính kinh tế nhiều hơn của Tổng thống Trump.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từng được các nước đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình dương ca ngợi là người có thể xây dựng lòng tin và là “nhân tố ổn định” cuối cùng trong chính quyền Mỹ hiện nay.
Châu Á là khu vực có những đồng minh thân cận của Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, cũng là nơi tập trung nhiều điểm nóng như bán đảo Triều Tiên, khu vực biển Hoa Đông, biển Đông...
Các đồng minh của Mỹ lâu nay đều cần có sự can dự lâu dài và ổn định của Mỹ để ngăn chặn nguy cơ bùng nổ xung đột. Thượng nghị sĩ Australia Jim Molan nhận định sự rút lui của ông Mattis rất đáng lo ngại do nó tạo ra một “biến số cực đoan mới” trong việc hoạch định chính sách của Mỹ.
“Ông ấy (Mattis) là người “gác cổng” trong chính quyền Mỹ mà họ phần lớn dựa vào ông nhằm dịu bớt tác động của cách hành xử theo bản năng của Tổng thống Trump”.
Có thể nói, những xáo trộn tại Lầu Năm góc lần này không đơn giản là sự sắp xếp lại nhân sự mà còn phản ánh tương lai chính sách an ninh của Mỹ.
Mỹ đã tuyên bố rút lực lượng quân sự tại Syria, Afghanistan, rồi đây liệu Tổng thống Trump có ra lệnh rút bớt lực lượng đồn trú tại Hàn Quốc, chính sách với Triều Tiên, Iran, vấn đề Biển Đông sẽ được xử lý ra sao?
Những câu hỏi này phần nào sẽ được giải đáp khi ông chủ Nhà Trắng lựa chọn được một người “tâm đầu ý hợp” tiếp quản Lầu Năm góc lâu dài./.