Người đứng đầu Bộ Kế hoạch đầu tư khẳng định, hiện Brexit chưa có tác động lớn đối với Việt Nam, nhưng cần phải tiếp tục theo dõi về lâu dài.
 
Tại hội thảo “Đối thoại chính sách đầu tư 2016” tổ chức sáng 28/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã và đang có những phân tích sơ bộ ảnh hưởng của sự kiện Anh rời EU (Brexit) đến thế giới và Việt Nam.
 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Brexit chưa có tác động lớn đối với Việt Nam, bởi Anh chưa phải là đối tác chiếm tỷ trọng thương mại và đầu tư lớn với Việt Nam. Tuy vậy, Bộ trưởng cho rằng việc này cần phải được tiếp tục theo dõi.
 
resize_images1601248_nguyenchidung1710.jpgBộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Báo đầu tư.
 
Bộ trưởng phân tích, Brexit sẽ ảnh hưởng đến đồng tiền của rất nhiều nước là bạn hàng của Việt Nam, do vậy sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến Việt Nam.
 
Hiện Tổng cục Thống kê đang rà soát lại tất cả các dự án đầu tư mà Anh đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, để đánh giá tác động.
 
Theo cập nhật của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/6, số dự án đầu tư còn hiệu lực của Vương quốc Anh vào Việt Nam là 266 dự án, tổng vốn đầu tư 3,584 tỷ USD.
 
Vương quốc Anh đứng vị trí thứ 15 về vốn đầu tư trong số 116 đối tác đang có đầu tư tại Việt Nam.
 
Các nhà đầu tư Vương quốc Anh tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, với 8 dự án có tổng vốn đăng ký 2,06 tỷ USD; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ hai với 79 dự án, tổng vốn đăng ký 1,37 tỷ USD; lĩnh vực khai khoáng đứng thứ 3, với 1,3 tỷ USD.
 
Theo đánh giá của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mức đầu tư FDI như trên của Anh vào Việt Nam không phải quá lớn, nên sự kiện Brexit dù sẽ có ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư của Anh vào Việt Nam nhưng mức độ tiêu cực không quá trầm trọng.
 
Tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam không chỉ vì lợi ích, mà còn để chia sẻ với doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam.
 
Tuy vậy, ông Dũng thừa nhận vẫn còn một số doanh nghiệp chưa tốt, như vấn đề ô nhiễm môi trường, chuyển giá, chiếm diện tích đất quá nhiều, triển khai dự án chậm, nhiều dự án lớn chưa có sự chia sẻ với doanh nghiệp Việt Nam…
 
GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng dẫn chứng, doanh nghiệp FDI đang sử dụng 3,5 triệu lao động tại Việt Nam. Cách đây vài ngày, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam công bố, đơn vị này đã có 190 doanh nghiệp hỗ trợ từ Việt Nam, trong đó có 12 nhà cung ứng cấp 1.
 
Hiện khối FDI đóng góp khoảng 20% tổng thu ngân sách và khoảng 20% vào GDP Việt Nam. Doanh nghiệp FDI đang chiếm 72% kim ngạch xuất khẩu. Theo số liệu hải quan 5 tháng đầu năm, dù doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu lên tới 6,7 tỷ USD, nhưng nhờ xuất siêu của khối FDI, Việt Nam đã xuất siêu 1,64 tỷ USD.
 
Còn theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam là 11,284 tỷ USD. Ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2015.
 
Theo VNE