Bộ trưởng ‘tay hòm chìa khoá’ của quốc gia giải trình trước QH về nguồn lực 10,5 triệu tỷ đồng tái cơ cấu nền kinh tế trong 5 năm tới.

resize_images1734891_20161103181129_de.jpgBộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Giải trình trước QH cuối giờ chiều nay, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đề án tái cơ cấu nền kinh tế là một nội dung lớn, quan trọng và cấp bách, nhất là khi Việt Nam đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh, bền vững.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu trì hoãn hoặc chậm tái cơ cấu nền kinh tế thì sẽ rất khó thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới; vượt qua bẫy thu nhập trung bình; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế...

Ông Dũng cho biết, mức dự kiến 10,5 triệu tỷ đồng để tái cơ cấu không phải là nguồn lực riêng, mà đặt trong khuôn khổ tổng thể nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm tới sẽ cơ cấu lại tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo hướng giảm dần tỉ trọng vốn nhà nước, tăng tỉ trọng vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là đầu tư của khu vực tư nhân trong nước.

Vốn nhà nước dự kiến giảm từ 39,1% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 31-34% trong giai đoạn 2016-2020. Vốn khu vực tư nhân trong nước dự kiến tăng từ 38,3% lên 45-48%.

“Nguồn lực 10,5 triệu tỷ là mục tiêu cần đạt được để tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm tới đạt 6,5-7%. Trong đó nguồn lực từ ngân sách nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và Kế hoạch tài chính giai đoạn 2016-2020 dự kiến là 2 triệu tỷ đồng”, ông Dũng giải thích.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, nếu chỉ dựa riêng vào số lượng nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế là chưa đủ mà điều quan trọng phải sử dụng hiệu quả nguồn lực, trước hết là nguồn lực của nhà nước.

Song song đó cần phải đẩy nhanh xử lý nợ xấu và áp dụng các biện pháp kiên quyết đối với các ngân hàng thương mại yếu kém; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, tái cơ cấu danh mục vốn đầu tư và tài sản của khu vực nhà nước, trước hết là doanh nghiệp nhà nước.

“Tái cơ cấu nền kinh tế là quá trình phức tạp, khó khăn và thách thức. Để thực hiện được đòi hỏi phải thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách; tăng hiệu quả đầu tư công; cắt giảm chi tiêu thường xuyên; giảm bội chi ngân sách xuống còn 4% GDP; cổ phần hóa...”, ông Dũng nêu.

Bộ trưởng KH&ĐT nhận định, việc tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua chậm do yếu kém trong khâu tổ chức thực hiện. Do đó, kế hoạch 5 năm tới sẽ quan tâm đến khâu này, kiến nghị Chính Phủ có bộ phận chuyên trách để chỉ đạo và theo dõi.

Theo Vietnamnet

TIN LIÊN QUAN