Phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã nóng ngay từ đầu khi có tới hơn 50 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi. Các câu hỏi tập trung vào hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, những bất cập trong các dự án FDI…
Trước việc các đại biểu truy trách nhiệm kiểm soát, tránh lãnh phí trong đầu tư công, nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận trách nhiệm.
Bộ trưởng cho biết, thời gian trước hệ thống quản lý pháp luật chưa được chặt chẽ nên hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công chưa đảm bảo, dẫn đến đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn và các dự án được phê duyệt vượt quá khả năng thu xếp vốn lớn. Thường trước đây gấp 3 lần so với khả năng thu xếp vốn và đây là thực tế đã diễn ra trong thời gian dài vừa qua.
“Để khắc phục tình trạng này, Luật đầu tư công đã được ban hành với các quy trình từ chọn lựa dự án đến phê duyệt, thẩm định dự án chặt chẽ hơn để kiểm soát, tránh dàn trải, tránh nợ động xây dựng cơ bản. Tuy vậy khi thực hiện Luật này, chúng tôi theo dõi vẫn còn những dự án đang được bố trí không được tập trung do nhu cầu đầu tư rất lớn nhưng khả năng thu xếp vốn của ta thấp hơn do vậy việc bố trí phân bổ của các bộ ngành, địa phương chưa được tập trung”, Bộ trưởng phân trần.
Chính điều này theo Bộ trưởng đã dẫn đến giao vốn hàng năm chậm. Bộ trưởng giãi bày, giao vốn hàng năm 5 năm đã được quy định rõ trong Luật đầu tư công, nhưng đây là năm đầu tiên thực hiện luật đầu tư công với các mục tiêu của Luật đưa ra là kiểm tra chặt chẽ các dự án và theo đó các bước quy trình chặt chẽ hơn, nhiều hơn và các cơ quan tham gia cũng được lồng ghép nhiều hơn và do vậy việc thực hiện các thủ tục theo luật mới của các bộ, ngành địa phương còn lúng túng trong thời gian đầu.
Thứ hai là việc hướng dẫn của các bộ ngành trong đó có trách nhiệm của Bộ KHĐT chưa kịp thời, còn chậm, còn có cách hiểu khác nhau. “Từ nhu cầu lớn và khả năng thu xếp vốn còn hạn chế, mất cân đối như vậy nên phải co kéo, điều chỉnh các phương án khác nhau dẫn đến chậm giao vốn so với thực tế, từ đó ảnh hưởng một phần đến giải ngân chậm ảnh hưởng tới hiệu quả của dự án”, Bộ trưởng nói.
Bộ KHĐT nhận trách nhiệm là chưa cương quyết yêu cầu các bộ ngành địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của luật và chỉ đạo của Chính phủ, còn nể nang khi thấy nhu cầu của các địa phương lớn nhưng khả năng bố trí vốn còn chưa phù hợp nên các phương án còn lặp đi lặp lại, điều chỉnh đi điều chỉnh lại nên chưa thực hiện nghiêm túc, còn nể nang khi chia sẻ khó khăn với các bộ ngành địa phương nhiều hơn. “Chúng tôi xin nhận trách nhiệm đó và xin hứa với Quốc hội là làm sao vẫn phải nghiêm túc thực hiện Luật đầu tư công nhưng vẫn tạo thuận lợi cho các bộ ngành địa phương thực hiện nhiệm vụ của mình”, Bộ trưởng nhận trách nhiệm.
Theo Kinhtedothi.vn