Ngày 13/12, tại Trụ sở Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình công tác năm 2019 của 9 bộ, gồm Lao động - Thương binh và Xã hội; Công Thương; Công an; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngoại giao; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, chủ trì buổi làm việc.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, chỉ còn 17 ngày nữa là hết năm 2019, song, vẫn còn rất nhiều chương trình, đề án bị chậm, nếu không nhanh sẽ trở thành quá hạn. Trong chương trình công tác năm 2019, Thủ tướng giao các bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 511 đề án, đến nay đã trình 390 đề án (đã ban hành 197 đề án), chưa trình 121 đề án, trong đó có 41 đề án quá hạn, 80 đề án khác sắp hết hạn vào thời điểm 31/12. Trong số đó, 9 bộ tham gia cuộc họp có tổng số 251 đề án được giao, nợ 71 đề án, chương trình, trong đó 29 đề án quá hạn.
Bộ trưởng chỉ ra rằng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính được giao số lượng đề án lớn nhưng tỷ lệ nợ đọng thấp, trong khi có những bộ được giao rất ít nhưng tỷ lệ nợ đọng chiếm rất cao, như Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có 20 chương trình, đề án, nhưng nợ 5 đề án, chiếm 25%; Bộ Thông tin và Truyền thông được giao 35 đề án, hiện còn nợ đọng 18, chiếm đến 51%. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao 13, còn nợ 4, chiếm 30,7%...
Năm 2019, các bộ trên phải ban hành 56 văn bản quy định chi tiết, hiện đã ban hành 45 văn bản, nợ đọng 11 văn bản, riêng Bộ Công an nợ 6 văn bản (gồm 2 văn bản liên quan đến Luật An ninh mạng), Bộ Công Thương còn 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn 1 văn bản. Riêng về nhiệm vụ Chính phủ giao, 9 bộ có 2.412 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 1.199 nhiệm vụ, còn nợ 1.223 nhiệm vụ, trong đó 1.163 nhiệm vụ trong hạn, có 50 nhiệm vụ quá hạn, chiếm 2,7 %, trong khi bình quân cả nước, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ 0,57%.
“Đây là các bộ nợ đọng quá hạn nhiều nhất, nợ đọng cả văn bản phải ban hành, cả đề án, chương trình công tác, nhiệm vụ,” Bộ trưởng chỉ rõ.
“Chúng ta khẳng định, những nhiệm vụ đã được giao không thể nào không hoàn thành, không để sót một nhiệm vụ nào, trừ các văn bản nợ đọng có lý do,” Bộ trưởng nêu và cho rằng, toàn bộ các chương trình, đề án này là đề xuất từ các bộ, các bộ đã chuẩn bị rất kỹ về chương trình công tác, chủ động hoàn toàn nên không có lý do nào nói về vấn đề thời gian chậm.
Theo Bộ trưởng, Thủ tướng luôn yêu cầu các bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng chương trình công tác, luôn luôn nhắc nhở tổ công tác đôn đốc, theo dõi quá trình triển khai của các bộ để báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ. Chất lượng chương trình công tác thể hiện chất lượng của cơ chế, chính sách. Các đề án, chương trình có phạm vi tác động lớn, vì vậy, Thủ tướng yêu cầu xây dựng đề án phải có chất lượng.
Giải trình về việc có 18 văn bản, đề án nợ đọng mà chỉ cam kết sẽ hoàn thành trong những ngày cuối cùng của năm nay 10 đề án, còn lại xin chuyển sang năm 2020, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải cho biết, những đề án, văn bản xin lùi sang năm 2020 vì nội dung các đề án gắn chặt chẽ với thực tế như hoạt động đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền internet, tần số vô tuyến điện... Nội dung này đang chờ phê duyệt của Thủ tướng hoặc có đề án cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện, không kịp hoàn thành trong 2019.
Chưa bằng lòng với lý giải của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổ trưởng Tổ công tác dẫn chứng về Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 02/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Đài Truyền hình Việt Nam đã quá hạn 167 ngày, giờ Bộ lại xin chuyển sang quý I/2020. Tổ trưởng Tổ công tác đặt câu hỏi: “Vướng mắc gì mà phải chậm, lùi lại, chưa trình lên Chính phủ?”
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phân tích, Đài Truyền hình Việt Nam là đơn vị đã thực hiện tự chủ hoàn toàn về tài chính từ lâu, vậy vấn đề bộ máy, tổ chức, nhân sự cũng cần được tạo điều kiện để đơn vị tự quyết.
“Tôi biết đề xuất về vấn đề này đã được nêu ra lâu rồi, Đài Truyền hình muốn tạo cơ chế mở nhưng mình muốn kéo quyền về bộ, “bo” hết, chắc là không ổn. Tôi đã một lần nghe rồi, quan điểm của bộ khác với của Đài, Đài muốn tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì mình phải tạo cơ chế mở để họ được tự chủ, tự quyết định về tuyển dụng, sắp xếp bộ máy. Nếu Đài chủ động đề xuất thì trình các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng để quyết định sớm cho họ,” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thẳng thắn.
Ông cũng truy trách nhiệm của Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và công vụ (Văn phòng Chính phủ) về việc văn bản trình nhưng không quy định thời hạn. “Sai thì nhận lỗi đi, đừng đổ tội cho văn thư, đánh máy,” Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nói.
Giải thích thêm, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải khẳng định, nội dung văn bản điều chỉnh lần này với Đài Truyền hình Việt Nam chỉ là về cơ chế, tổ chức của đơn vị, Bộ Thông tin và Truyền thông không có ý kiến về nội dung, chỉ là vấn đề quy trình, thủ tục làm chậm tiến độ. Thứ trưởng Hải phân trần, theo quy định, thông tin thay đổi phải được đăng tải công khai trên website của bộ 60 ngày mới đủ điều kiện lấy ý kiến Bộ Tư pháp, sau đó Bộ Thông tin và Truyền thông mới hoàn thiện để trình lên Chính phủ. Hiện bộ này vẫn đang chờ cho hết thời hạn 60 ngày.
Để tránh văn bản giải quyết việc này tiếp tục bị kéo dài quá hạn định, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hứa đốc thúc Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ, phối hợp chặt chẽ với đơn vị phải điều chỉnh để hoàn thiện quy trình, cố gắng trong cuối tháng 12 sẽ trình ra, không để dây dưa sang năm 2020.
Cương quyết đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tập trung hoàn thiện các đề án, Tổ trưởng Tổ công tác khẳng định, Văn phòng Chính phủ chỉ thống nhất lùi 1 đề án của bộ sang năm 2020, còn các đề án khác bộ phải hoàn thành trong năm 2019. “Lý do không thuyết phục thì không thể chấp nhận”, ông nói và đề nghị các bộ rút kinh nghiệm từ Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020, phải xây dựng chương trình công tác cho chắc; Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và công vụ sớm họp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam để sửa dứt điểm Điều 3, Nghị định 02, tháo gỡ vướng mắc cho đơn vị.
Bộ trưởng cũng nhắc lại việc sản phẩm ra đa, khi nhập về cảng có đến hai Bộ là Thông tin và Truyền thông và Giao thông vận tải cùng xuống kiểm tra, hải quan đã đồng ý thông quan hàng hóa, chỉ chờ bộ xuống ký, trong khi không có phòng máy để test, không thể kiểm tra được sản phẩm, Bộ trưởng cho rằng, không nên lấn sân, ôm đồm “cứ kéo lượn lờ về bộ là không được, rất là lợi ích, không thể để người dân tốn kém chi phí thời gian, tiền bạc”.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, nhắc lại tinh thần các bộ là cần quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, không để quá hạn. “Sắp hết năm 2019, chúng ta không đặt vấn đề xin rút nữa, vì quá hạn rồi, chấp nhận quá hạn để thấy rằng đánh giá trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có cách đánh giá bằng số liệu biết nói. Không làm được đến hạn mới xin rút, giờ chạy nước rút bằng cách là không làm (mà) lại rút khỏi, đến nơi gọi tên thi đấu mới bảo không thi đấu, xin đau bụng nhưng bụng không đau, thì không nên”, Bộ trưởng nói./.