Trả lời ý kiến các đại biểu về tôn chỉ, mục đích của báo chí, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản báo chí, tức cơ quan và tổ chức nằm trong hệ thống tổ chức chính trị ở Việt Nam.
Mỗi cơ quan, tổ chức đều có chức năng, nhiệm vụ riêng, các cơ quan báo chí phải bám theo chức năng, nhiệm vụ này, hay còn gọi là tôn chỉ, mục đích để tuyên truyền, vì thế, sẽ vẽ lên bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam. Nếu không có sự phân vai thì có thể lệch bên này, lệch bên kia, nhiều chỗ này, ít chỗ kia và rất nhiều vấn đề kinh tế - xã hội sẽ không được đề cập.
Tập trung hoạt động theo tôn chỉ, mục đích thì giúp cho báo chí viết chuyên sâu được cái mà báo chí hiện nay đang còn yếu, đây là cách tiếp cận của Việt Nam đã được luật định.
Song cũng có ý kiến cho rằng, thực hiện tôn chỉ, mục đích sẽ hạn chế quyền của cơ quan báo chí, đặc biệt trong việc chống tiêu cực, tham nhũng, tôi khẳng định điều này không hạn chế quyền đó.
Thời gian vừa qua có nhiều nhà báo, cơ quan báo chí đã đi tác nghiệp hoặc được giao đi tác nghiệp không đúng với tôn chỉ, mục đích, chuyên ngành của mình. Việc này gây khó khăn cho nhiều cơ quan, tổ chức và ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cơ quan báo chí, nhà báo đang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ TT&TT đã và sẽ nghiêm túc xử lý các cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói thêm: Từ năm 2018, Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ TT&TT đã dùng công nghệ, phát triển công cụ để phát hiện những bài báo "sáng đăng, chiều gỡ". Thực hiện nhắc nhở các cơ quan báo chí và yêu cầu giải trình tại giao ban hàng tuần, xử lý hành chính hoặc theo quy định đạo đức nghề nghiệp.
Hiện nay hiện tượng này đã giảm đáng kể, mỗi tuần chỉ còn 1-2 vụ phải giải trình, nhưng chủ yếu là do lỗi biên tập phải sửa lại./.