Sáng 15/8, tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.
Phiên chất vấn được tổ chức trực tuyến đến 63 điểm cầu cả nước. Tại điểm cầu Nghệ An đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì. Cùng dự có các đồng chí: Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Mão - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu.
Xem xét đặc biệt về an ninh - quốc phòng
Tại phiên chất vấn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Thanh Hiền chất vấn, cử tri đang rất quan tâm đến việc triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, xin Chính phủ cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đường cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia và Chính phủ dựa vào vào 3 nguyên tắc:
Thứ nhất: Tất cả các trình tự thủ tục phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Thứ hai: Phải tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.
Thứ ba: Đây là công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa rất lớn về an ninh - quốc phòng, kinh tế - xã hội, do đó cần xem xét đặc biệt về an ninh - quốc phòng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đã triển khai các thủ tục; đến thời điểm này đã phê duyệt dự án, đã triển khai thiết kế bản vẽ thi công và dự toán.
Hơn 1 tháng qua, Bộ GTVT đã báo cáo Thường trực Chính phủ tại nhiều cuộc họp và Thường trực Chính phủ đang xin ý kiến các cơ quan lãnh đạo để thực hiện dự án này đảm bảo ý nghĩa về kinh tế, đặc biệt đảm bảo quốc phòng - an ninh tốt nhất cho đất nước.
Tập huấn kỹ năng cho ngư dân
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đề nghị cho biết giải pháp đào tạo, huấn luyện kỹ năng hoạt động trên biển cho ngư dân; việc bảo đảm trang thiết bị, phương tiện cho ngư dân để vừa sản xuất, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên biển.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Hiện nay, kinh tế biển của Việt Nam đứng dưới góc độ khai thác thủy sản lớn, với khoảng 95.500 tàu các loại từ 6m và khoảng 1 triệu người tham gia.
Đi vào cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, gần đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 930/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020; đồng thời ngành cũng triển khai Luật Thủy sản, tập trung đầu tư các cơ sở vật chất.
Cho đến nay, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 28 tỉnh duyên hải thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền, tập huấn trên tất cả các khía cạnh: bảo đảm an toàn khi khai thác, ứng phó thiên tai...
Riêng ứng phó với thiên tai, người đứng đầu Bộ NN&PTNT cho biết, không chỉ là tuyên truyền mà còn triển khai bằng chương trình hành động.
Ba năm qua, ở Biển Đông có tổng số 51 cơn bão và áp thấp nhiệt đới và đã có 2,1 triệu phương tiện, 9,5 triệu người được di dời cơ bản đảm bảo an toàn, đặc biệt là khu vực hoạt động về thủy sản; qua đó thể hiện kết quả phối hợp khá đồng bộ giữa các cơ quan Trung ương, địa phương, nghiệp đoàn và ngư dân.
Bên cạnh đó, ngành tập trung tuyên truyền tăng cường hơn để đảm bảo hiệu quả khâu liên kết, làm sao hình thành các nghiệp đoàn vì khai thác trên biển nguy cơ rủi ro rất cao.
Đối với 82 cảng cá với 58 khu neo đậu trên toàn quốc cũng sẽ từng bước được nâng cấp trang thiết bị trên các phương tiện đánh bắt thủy hải sản đang thực hiện theo Luật Thủy sản.
Cụ thể, với các loại tàu 24m trở lên đang lắp đặt giám sát hành trình, tàu trên 15 - 24m yêu cầu theo luật tới đây trang bị toàn bộ.
Đồng thời ngành đang tập trung triển khai các giải pháp rút thẻ vàng của Liên minh châu Âu (EU), trở về trạng thái thẻ xanh.