Đối với nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất trong nước Bộ Tài chính đề xuất nên quy định mức thuế suất thấp hoặc bằng 0%.

Bộ Tài chính vừa có văn bản góp ý về “Đề án quản lý nhập khẩu đến năm 2020 phù hợp với cam kết quốc tế của Bộ Công Thương”. Theo đó, để thúc đẩy sản xuất trong nước, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu về mức thấp, thậm chí 0% đối với các mặt hàng là nguyên liệu đầu vào.

Giảm thuế nhập khẩu để thúc đẩy sản xuất

Theo Bộ Tài chính, việc quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là phù hợp với khung thuế nhập khẩu do Ủ ban Thường vụ Quốc hội ban hành; phù hợp với cam kết hàng năm trong WTO và phù hợp với chủ trương điều hành của Chính phủ. Với các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, đáp ứng đủ nhu cầu hoặc trong nước, các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu thì được quy định mức thuế suất cao.

Còn các nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được, các mặt hàng không có định hướng sản xuất và là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất trong nước được quy định mức thuế suất thấp hoặc bằng 0%.

 Nguyên liệu đầu vào trong nước chưa sản xuất được nên có thuế NK thấp. (Ảnh: KT)
Nguyên liệu đầu vào trong nước chưa sản xuất được nên có thuế NK thấp. (Ảnh: KT)

Bộ Tài chính cho rằng, thuế nhập khẩu có vai trò đáng kể trong nhiệm vụ góp phần bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN). Chính sách thuế nhập khẩu trong thời gian qua đã góp phần thay đổi cơ cấu nhập khẩu theo chiều hướng tích cực, giảm tỷ trọng nhập khẩu những mặt hàng mà trong nước đã sản xuất được, hàng phục vụ tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu, tăng tỷ trọng hàng nhập khẩu là máy móc, thiết bị và nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất.

Việc cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi hàng năm cũng làm giảm thu NSNN. Tuy nhiên, do kim ngạch nhập khẩu hàng năm đều tăng cao, nên số thu NSNN giảm được bù lại bằng số lượng tăng thêm theo kim ngạch nhập khẩu.

Điều chỉnh thuế phù hợp với các cam kết quốc tế

Để thuế nhập khẩu phù hợp cam kết quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị bỏ nội dung về cam kết thuế nhập khẩu trong Asean và cắt giảm thuế nhập khẩu trong các Hiệp định FTA, vì nội dung này không phải là cam kết trong WTO. Đề nghị bổ sung cụm từ “Việt Nam cam kết sẽ giảm thuế xuất khẩu cho các loại phế liệu kim loại đen và kim loại mầu ngay từ khi gia nhập WTO vào năm 2007, nhưng không phải ràng buộc toàn bộ biểu thuế xuất khẩu".

Với thuế xuất khẩu phế liệu, sắt thép sẽ giảm từ 35% xuống 17% trong vòng 5 năm; giảm thuế phế liệu kim loại màu (đồng, nhôm, chì...) từ 40% - 45% xuống 22% trong vòng 5 năm.

Kể từ năm 2012 đến nay, các mặt hàng phế liệu sắt thép đã được quy định mức thuế suất 17%; mặt hàng phế liệu kim loại màu đã được quy định mức thuế suất 22%. Theo đó, Biểu thuế xuất khẩu từ năm 2012 đến nay không phải thực hiện cắt giảm thuế suất thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng đã cam kết khi gia nhập WTO như nêu trên.

Về “xác định trị giá tính thuế hải quan”, đề nghị sửa lại thành “Việt Nam đã tuân thủ đầy đủ quy định của Hiệp định trị giá hải quan của WTO quy định về nguyên tắc, phương pháp xác định trị giá hải quan hàng hóa nhập khẩu”.

Bộ Tài chính cho rằng, để “nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ thuế”, đề nghị Dự thảo phân tích bổ sung và đánh giá hiệu quả của các sắc thuế: Thuế tiêu thụ đặ biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế GTGT vì trong Dự thảo mới chỉ dừng lại ở việc phân tích công cụ thuế nhập khẩu. Do đó, nội dung phần này chưa phản ánh được hiệu quả của các sắc thuế khác ngoài thuế nhập khẩu nhằm quản lý hàng hóa nhập khẩu có hiệu quả.

Liên quan đến cách tính thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đề nghị không nên áp dụng nhiều cách tính thuế khác nhau, vì như thế sẽ làm phức tạp thêm biểu thuế.

“Hiện nay Bộ Tài chính đang tiến hành cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan để giảm chi phí quản lý hành chính và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hải quan thuận lợi trong quá trình thực hiện trong đó Biểu thuế nhập khẩu cũng sẽ được sửa đổi theo hướng thu gọn mức thuế suất và đơn giản trong cách áp dụng, thực hiện” - Văn bản nêu rõ.

Ngoài ra, việc áp dụng đánh thuế nhập khẩu mặt hàng nông sản theo mùa sẽ làm chính sách thuế mất tính ổn định, minh bạch, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đi ngược lại với Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2010 -2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

Theo Thời báo Tài chính