Dù với một lượng nhỏ nhưng vitamin (VTM) và khoáng chất đóng vai trò rất quan trọng đối với sự sống của con người, nhất là đối với người cao tuổi.

Tuy nhiên, cơ thể không tự tạo ra VTM mà phải ăn vào từ thức ăn. Hơn nữa, các VTM không thể thay thế lẫn nhau. Hầu như tất cả chúng ta đều đang bị thiếu hụt 1 hay nhiều loại VTM. Đặc biệt, người cao tuổi (NCT) là đối tượng dễ thiếu VTM và khoáng chất hơn cả.

Vai trò của VTM và khoáng chất trong cơ thể

Phần lớn các VTM hoạt động như một phức hợp hoạt hóa men, tham gia vào quá trình biến đổi dự trữ năng lượng trong cơ thể. Một số khác ảnh hưởng tới quá trình oxy hóa, nhiều loại có tác dụng cấu tạo nên hormon, tham gia vào quá trình tăng trưởng và khoáng hóa xương, hoạt động nhân lên của tế bào, tham gia vào quá trình miễn dịch của cơ thể, tổng hợp các chất trung gian của hệ thần kinh, đào thải, trung hòa các chất độc, làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể.

Ví dụ, VTM tham gia vào hoạt động thị giác, giữ gìn chức phận của tế bào biểu mô trụ. Vitamin C có tác dụng làm tăng sức đề kháng của cơ thể, làm bền vững thành mạch. Sắt có mặt trong mọi tế bào và rất cần thiết trong việc duy trì sự khỏe mạnh của hệ miễn dịch, các cơ và điều chỉnh sự phát triển của các tế bào. Hầu hết chất sắt được dự trữ trong hemoglobin và myoglobin-2 tế bào protein máu đỏ có nhiệm vụ vận chuyển ôxy đến các mô và cơ trong cơ thể.

Vì sao NCT dễ bị thiếu VTM và khoáng chất?

Hầu như tất cả chúng ta đều bị thiếu hụt 1 hay nhiều loại VTM và khoáng chất, đặc biệt NCT dễ thiếu nhiều loại VTM. Thiếu VTM có thể do những nguyên nhân sau: do thiếu ăn, chất lượng lương thực thực phẩm không đảm bảo, quá trình bảo quản, chế biến không đúng. Do chất đất và nguồn nước từng khu vực; chế độ ăn kiêng, nghiện rượu, những người nghiện rượu thường bị thiếu B1 trầm trọng; rối loạn hấp thu, thường thấy ở người mắc bệnh đường tiêu hóa, NCT, do nhu cầu cơ thể tăng nhưng cung cấp không đủ...

815671_small_105555.jpg

Nước ép trái cây bổ sung vitamin và khoáng chất.

Một số bệnh do thiếu VTM và khoáng chất

Mặc dù trong cơ thể, VTM và khoáng chất chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp, nhưng nếu thiếu sẽ gây ra những rối loạn, phát sinh bệnh tật. Ví dụ, thiếu VTM A gây quáng gà, thiếu VTM C sẽ giảm sức đề kháng, gây chứng chảy máu dưới da, thiếu VTM B1 gây phù, thiếu VTM B12 gây thiếu máu, viêm dây thần kinh; thiếu canxi gây co giật tay chân hay thiếu kali gây loạn nhịp tim; thiếu sắt gây thiếu máu. Các biểu hiện của thiếu sắt như: cơ thể yếu và mệt mỏi, giảm khả năng tập trung, rụng tóc, đau đầu, móng yếu, dễ gãy...

Làm gì để phòng thiếu VTM và khoáng chất ở NCT?

Các VTM và khoáng chất được cung cấp cho cơ thể qua thức ăn, nước uống hằng ngày. Nếu cơ thể khỏe mạnh, hấp thu tốt và bữa ăn phong phú, đa dạng thì không sợ thiếu các chất này. Vì vậy, để phòng ngừa thiếu VTM và khoáng chất, cần ăn uống thức ăn có đủ VTM và khoáng chất cần thiết cho cơ thể như ăn đa dạng các loại rau, củ, quả, thịt, cá, tôm, cua... Cần chế biến thức ăn mềm, dễ tiêu như súp hoặc xay nhuyễn hay ép dưới dạng sinh tố.

Tuy nhiên, hầu hết các VTM B và C tan trong nước nên mặc dù có nhiều trong thức ăn nhưng qua quá trình bảo quản và chế biến sẽ mất đi rất nhiều. Cơ thể không dự trữ các VTM này vì chúng tan trong nước nên bị đào thải ra ngoài qua nước tiểu. VTM B12 là một ngoại lệ, được dự trữ tại gan. VTM tan trong dầu được hấp thu và vận chuyển cùng với mỡ. Cơ thể dự trữ các VTM này chủ yếu ở gan và mô mỡ.

Vì vậy, khi cơ thể hấp thu quá nhiều các VTM này sẽ xảy ra hiện tượng ngộ độc. Đối với người già bệnh nặng kéo dài, sức khỏe suy giảm..., nên bổ sung các VTM và khoáng chất dưới dạng thuốc để đáp ứng nhu cầu VTM, chất khoáng của cơ thể. Tuy nhiên, bổ sung loại VTM hay khoáng chất nào, liều lượng cần bổ sung bao nhiêu và uống trong thời gian bao lâu... cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định. Nên nhớ mỗi loại VTM này khi bị thiếu không thể thay thế lẫn nhau.

Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện ở những người độ tuổi trung bình 48 - 78 tuổi thì sau 4 - 10 tuần bổ sung VTM và khoáng chất có cải thiện rõ rệt về sức khỏe như: giảm được mệt mỏi, tập trung tư tưởng tốt hơn, ăn ngon miệng hơn, dễ ngủ và thời gian ngủ kéo dài hơn...


Theo BS. Phạm Minh Nguyệt - Sức khỏe & Đời sống - NT