(Baonghean.vn) - Tổng thống Iraq Fuad Masum đã bổ nhiệm Thủ tướng mới vào thứ 2 ngày 11/08, làm phức tạp thêm cuộc tranh giành quyền lực căng thẳng giữa tình hình khủng hoảng nhân đạo và mối đe doạ đến từ ISIS.
 
images1028744_12iraq3_superjumbo.jpgTổng thống Fuad Masum (trái) bắt tay tân Thủ tướng Haider al-Abadi (phải). Ảnh: AFP
 
Trong buổi lễ với thành phần tham dự là các thành viên chủ chốt của khối Shiite trong Quốc hội, ông Masum đã bổ nhiệm Haider al-Albadi thay thế ông Nuri al-Maliki, người vẫn liên tục từ chối rút khỏi vị trí hiện tại. Ảnh hưởng của sự kiện này đến tình hình chung của đất nước Iraq vẫn chưa rõ rệt, tuy nhiên chắc chắn là không thể tránh khỏi khi mà quốc gia này vốn dĩ đang bị mối đe doạ quân sự từ ISIS khiến cho hoang mang. Nhóm cực đoan này tàn bạo đến mức tra tấn thường dân và khoe khoang về những tội ác đó trên mạng. Al-Maliki tỏ rõ sẽ không im lặng cho qua, khi mà ông cùng các thành viên cấp cao cùng đảng phái đã ra mặt tuyên bố phản đối quyết định của Masum. Cựu nhân viên CIA và nhà phân tích an ninh quốc gia của CNN Bob Baer nhận xét vào thứ 2 ngay trước những diễn biến chính trị mới nhất này:"Tôi chưa bao giờ thấy Iraq ở trong tình trạng tồi tệ như lúc này".
 
Thủ tướng mới được bổ nhiệm, ông Abadi, là phó chủ tịch Quốc hội Iraq và cựu cố vấn của ông al-Maliki. Tổng thống Masum bổ nhiệm nhà chính trị Shiite này mặc cho trước đó cùng ngày, ông al-Maliki tuyên bố có ý định đảm nhiệm chức vụ này đến hết nhiệm kỳ 3. Ông Abadi sẽ có 30 ngày để thành lập chính phủ mới trước khi chính thức tiếp nhận vị trí Thủ tướng. Có vẻ như ông Abadi được hậu thuẫn bởi các thành viên đứng đầu liên minh quốc hội, trong đó có Ngoại trưởng Iraq và người phát ngôn của đảng Dawa - người đã có mặt cùng ông trong buổi lễ bổ nhiệm.
 
Hiện vẫn chưa rõ liệu al-Maliki có sử dụng vũ lực để giữ vị trí của mình hay không. Ông lên tiếng phản đối quyết định bổ nhiệm vào thứ 2 ngày 11/08, mô tả động thái này như là "vô hiệu lực". "Tôi kêu gọi các bạn - những chiến binh ở hàng đầu, những quân sĩ và cảnh sát, hãy giữ vững vị trí của mình và đừng rúng động bởi hiến pháp bị xâm phạm. Chúng ta sẽ sửa chữa sai lầm này", ông al-Maliki nói. Ông thẳng thừng tuyên bố:"Không ai có quyền làm bất cứ điều gì...mà không có sự cho phép của tôi".
 
Kirk Sowell, tác giả cuốn "Bên trong đường lối chính trị Iraq" nhận định cái kết của 8 năm chế độ al-Maliki đang đến gần. "Tôi không loại trừ, thậm chí là nghiêng về khả năng al-Maliki sẽ cố thực hiện một cuộc đảo chính", tuy nhiên Sowell "loại trừ khả năng ông ta sẽ thành công". Sở dĩ như vậy là bởi Abadi không chỉ có được sự hậu thuẫn của Liên minh Hồi giáo Shiite mà còn được chào đón bởi cộng đồng quốc tế. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond và người đại diện đặc biệt của Tổng thư kí Liên hợp quốc tại Iraq ông Nicolay Miadenov ủng hộ động thái chính trị mới này. Ông Miadenov thúc giục nhanh chóng thành lập chính phủ mới để việc bổ nhiệm chính thức có hiệu lực. Ông nói:"Điều quan trọng bây giờ là các đảng phái chính trị trong Quốc hội phải hợp tác xây dựng một chính phủ phản ánh được nguyện vọng an ninh, thịnh vượng và dân chủ của người dân Iraq".
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Phó tổng thống Joe Biden đã gọi điện chúc mừng ông Abadi. Ông Obama cũng khen ngợi Tổng thống Iraq về việc bổ nhiệm tân Thủ tướng, gọi đây là một bước quan trọng trong tiến trình thống nhất các cộng đồng Iraq và giục tân Thủ tướng thành lập chính phủ mới. Tương tự, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng thể hiện sự ủng hộ trong một thông cáo:"Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ tiến trình dân chủ của Iraq và luôn bên cạnh nhân dân Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố". Trong một thông báo của Tư lệnh Trung tâm Mỹ vào thứ 2 ngày 11/08, quân đội Mỹ đã tiến hành không kích vào 4 điểm chốt của ISIS và nhiều phương tiện vận chuyển của ISIS gần Mount Sinjar để bảo vệ cho cộng đồng Yazidis trong khu vực. Kết quả, quân ISIS bị phân tán và bắt buộc phải di chuyển một cách kín đáo hơn. Cũng vào thứ 2, Mỹ xác nhận chuyển vũ khí trực tiếp cho lực lượng người Kurd chiến đấu chống lại ISIS ở miền Bắc Iraq.
 
Tin đưa bởi CNN ngày 12/8
 
Nấm Linh Chi