Làm quản lý với mức lương cao ở doanh nghiệp nước ngoài, Phạm Anh Cường - ông chủ dự án Kamibana và Hàng Bá Trí - CEO Go-ixe vẫn buông bỏ để thành lập công ty riêng.

Giám đốc bỏ lương nghìn USD để làm hoa giấy nghệ thuật

Trước khi khởi nghiệp với loại hình hoa giấy kamibana, Phạm Anh Cường là giám đốc một công ty xây dựng với mức lương không dưới 2.000 USD mỗi tháng.

Doanh nhân 8x chia sẻ: "Những chuyến công tác liên tục và mức lương đáng mơ ước không khiến tôi thỏa mãn bởi niềm đam mê với nghệ thuật hoa giấy từ thời du học Nhật Bản vẫn âm ỉ".

Bỏ mặc tất cả khuyên ngăn của gia đình và bạn bè, Cường đưa ra quyết định nghỉ việc sau nhiều trăn trở để gầy dựng công ty của riêng mình với số vốn ban đầu chưa đến 1,5 tỷ đồng.

images1786356_ph_m_anh_c__ng_b__l__ng_ngh_n_usd____l_m_hoa_gi_y_ngh__thu_t_5863e62694eef.jpgPhạm Anh Cường bỏ lương nghìn USD để làm hoa giấy nghệ thuật.

Sau gần 2 năm dành trọn tâm huyết, chàng giám đốc 8x đã khẳng định bản lĩnh của mình khi công ty vào guồng quay ổn định với doanh thu ước tính trong năm nay đạt khoảng 60 tỷ đồng. Hiện sản phẩm của anh được một số hệ thống siêu thị trong nước chấp nhận và bắt đầu thâm nhập thị trường Nhật Bản như ước mơ ban đầu.

Ngoài thu nhập từ kinh doanh hoa giấy, Cường còn mở thêm các lớp dạy nghề và câu lạc bộ handmade để tăng thêm nguồn thu cho công ty, đồng thời tạo ra nguồn lực nhân công và tận dụng sản phẩm chất lượng của học viên để cung cấp cho thị trường. Anh ấp ủ xây dựng dự án thành một hệ sinh thái nông nghiệp theo mô hình kinh tế chia sẻ, kết nối cho nhiều nhóm đối tượng như người nông dân trồng hoa, viện nghiện cứu nông nghiệp, siêu thị, người tiêu dùng… có điều kiện hợp tác cùng nhau.

CEO 8x kỳ vọng, dự án hệ sinh thái nông nghiệp sẽ có khoảng 250.000 đơn hàng giao dịch thành công thông qua website và ứng dụng điện thoại vào năm 2018. Dự kiến tại thời điểm đó, công ty sẽ thu hút 10.000 nông dân trên khắp cả nước đăng ký tham gia làm thành viên và tiếp tục đầu tư vào những mảng mới như trái cây, lúa mạch… Anh cũng không giấu tham vọng đưa công ty lên sàn chứng khoán tiếp sau đó 2 năm và ghi nhận doanh thu trung bình 180 tỷ mỗi năm.

Bỏ làm sếp ở công ty Nhật Bản, xây dựng ứng dụng gọi xe cho người Việt

Sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Công nghệ thông tin, Hàng Bá Trí được một công ty Nhật Bản tuyển dụng. Anh nhanh chóng được bổ nhiệm làm bộ phận phát triển sản phẩm với mức lương cao ngất.

Dù con đường sự nghiệp đang rộng mở, nhưng đầu năm 2016, chàng trai 8x vẫn quyết định nghỉ việc để thực hiện dự án khởi nghiệp ấp ủ từ thời sinh viên. Với mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trong nước và tạo ứng dụng gọi xe của riêng người Việt, Hàng Bá Trí lập nên phần mềm Go-ixe.

Theo Trí, sự xuất hiện của Uber và Grab dần chiếm lĩnh thị trường vận tải, trở thành chướng ngại của taxi truyền thống vì giá cả cạnh tranh. Người dùng thường chọn Uber và Grab thay vì taxi như trước đây. Đó là lý do anh muốn lập nên một ứng dụng gọi xe của riêng người Việt, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trong nước trước sự thâm nhập của doanh nghiệp nước ngoài.

Hàng Bá Trí - CEO của Công ty Cổ phần Công nghệ Go-ixe.

Ứng dụng Go-ixe cung cấp giải pháp hoàn chỉnh nhằm giúp doanh nghiệp taxi, cho thuê xe tự lái, doanh nghiệp vận tải có thể sử dụng hệ thống Go-ixe mà không phải xây dựng ứng dụng riêng.

Go-ixe cung cấp nhiều dịch vụ như: Go-bike (gọi xe ôm); Go-taxi (gọi xe taxi); Go-car (gọi xe ôtô); Go-travel (gọi xe du lịch, đi chung xe) và Go-share (dịch vụ thuê xe tự lái). Chỉ cần cài đặt ứng dụng này trên phần mềm Android, người dùng có thể gọi bất kỳ loại hình dịch vụ chuyên chở. Hình thức hoạt động của Go-bike, Go-taxi, Go-car trong thời gian đầu không khác gì Uber hay Grab.

Trong vòng 6 tháng, Go-ixe đã kết nối 10.000 người tham gia hệ thống với số lượng xe lên tới hơn 500, tốc độ tăng trưởng người dùng hàng tháng trên 30%.

Theo Hưng Thịnh/VNE

TIN LIÊN QUAN