(Baonghean) - Trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm bùng phát nhiều, nỗi lo an toàn thực phẩm, môi trường chăn nuôi là những vấn đề bức xúc của người dân. Từ tháng 7/2016, Luật Thú y có hiệu lực sẽ góp phần nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, đảm bảo ATVSTP.

images1790549_trang_tr_i_ch_n_nu_i_g__c_a__ng_nguy_n_v_n_ty__x__nghi_tr__ng__huy_n_nghi_l_c_.jpgTrang trại chăn nuôi gà của ông Nguyễn Văn Ty (xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc).

Nâng cao trách nhiệm của chính quyền 

Là tỉnh có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng hàng năm, Nghệ An là địa phương có tỷ lệ tiêm phòng gia súc, gia cầm đạt thấp. Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, hàng năm, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin THT trâu bò đạt 65 - 68%; THT lợn, dịch tả lợn, dại chó đạt dưới 35% so với kế hoạch, đặc biệt có xã còn bỏ trắng không tiêm, dẫn đến dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng, gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi và nhà nước.

Đặc biệt, Nghệ An đang là một trong những tỉnh luôn có số người mắc dại cao trên cả nước và có số ca tử vong đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ. Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn Nghệ An có 39 người tử vong do bệnh dại. Tất cả các nạn nhân tử vong đều không tiêm vắc-xin, huyết thanh phòng dại mà sử dụng thuốc lá - thuốc nam -đông y. 

Theo ông Đặng Văn Minh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh thì nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp là ý thức của người dân trong việc chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi còn rất hạn chế. Có những gia đình, mặc dù đã được vận động, tuyên truyền nhưng vẫn không mua vắc-xin về tiêm. Bên cạnh đó, một số chính quyền địa phương chưa quan tâm, thiếu sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác tiêm phòng.

"Đó là điều rất nguy hiểm, đặc biệt trong điều kiện tổng đàn của chúng ta rất lớn nhưng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, các lực lượng chức năng không thể kiểm soát nổi nếu không có sự phối hợp tích cực của chính các hộ dân”, ông Minh cho biết.

Hiện nay, ngoài những địa phương được cấp vắc-xin tiêm phòng theo chương trình của Nhà nước thì những địa phương khác theo Luật Thú y  người dân phải tự bỏ tiền mua vắc xin để tiêm cho gia súc, gia cầm. Hiện giá vắc-xin phòng bệnh tai xanh và lở mồm long móng khá cao, ở mức hơn 17.000 đồng/liều cũng là một nguyên nhân quan trọng làm rất nhiều người chăn nuôi nhỏ lẻ còn tiếc tiền, chỉ miễn cưỡng tiêm phòng theo kiểu “được chăng hay chớ”.  

Luật Thú y năm 2016 phân cấp thẩm quyền công bố dịch cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, tạo điều kiện để địa phương chủ động phòng, chống dịch bệnh được hiệu quả, thuận tiện và nhanh chóng, bảo đảm khống chế được dịch ngay khi mới phát sinh trên địa bàn, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.

Bên cạnh đó, luật cũng quy định cấp huyện phải xây dựng được kế hoạch phòng, chống dịch bệnh và khi có dịch xảy ra phải bố trí nguồn kinh phí chống dịch. Lâu nay, việc cấp kinh phí để mua hóa chất chống dịch chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí của tỉnh và Trung ương.

Đối với quy định mới này, theo lãnh đạo huyện Hưng Nguyên thì việc phân cấp cho huyện là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh việc tăng cường trách nhiệm nhằm đảm bảo việc phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, do nguồn ngân sách của địa phương còn hạn chế nên khi có dịch xảy ra, huyện mới chỉ  bố trí được một  ít kinh phí mua vôi, hóa chất khử trùng ở vùng dịch, còn đối với những vắc-xin hay thuốc hầu như chưa bố trí được. Điều này cũng phần nào gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch.

Khó khăn trong kiểm dịch nội tỉnh

Cơ sở chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Tuấn, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên)

Để tạo thuận lợi và thúc đẩy cho ngành Chăn nuôi trong nước phát triển, Luật Thú y quy định chỉ thực hiện kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật xuất tỉnh; đồng thời bỏ quy định kiểm dịch “theo số lượng, khối lượng” như Pháp lệnh Thú y năm 2004.

Việc kiểm dịch được quản lý theo mối nguy cơ về dịch bệnh động vật như các cơ sở tham gia chương trình giám sát dịch bệnh, cơ sở an toàn dịch bệnh không phải thực hiện kiểm dịch mà chỉ thực hiện đăng ký kiểm dịch cho cơ quan thú y để được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch lưu thông trong nước.

Tuy nhiên, theo cơ quan thú y thì việc bỏ kiểm dịch nội tỉnh đã gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở giết mổ, sơ chế, bảo quản kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Trong khi đó, toàn tỉnh có hơn 40 cơ sở giết mổ, nhưng chỉ có vài cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, tập trung thủ công đủ điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh ATTP. Số còn lại là cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư, gây khó khăn trong việc xác định nguồn gốc để thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ...

Việc bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh khiến cho một số lượng lớn sản phẩm động vật có nguy cơ chưa được kiểm dịch khi về đến các chợ bán cho người dân. Trong khi đó, tình trạng bán hàng rong thịt gia súc, gia cầm ngoài khu vực chợ hoặc dọc theo các trục đường là khá nhiều. 

Theo ông Đặng Văn Minh, để ngăn chặn động vật không đảm bảo ATVSTP thì Chi cục đã có hướng dẫn gửi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng như các hộ chăn nuôi phải thực hiện đầy đủ các cam kết, quy định về quy hoạch, điều kiện chuồng trại, tiêm phòng...

Nếu trong quá trình vận chuyển, cơ quan chức năng xác định động vật không đảm bảo ATVSTP thì sẽ tiêu hủy hoặc xử lý việc làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, cái khó là đối với các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình thì việc kiểm soát là rất khó khăn.

Hiện nay, lực lượng thú y còn mỏng, phụ cấp, trình độ năng lực còn hạn chế nên việc quản lý, kiểm tra việc chấp hành các quy định về chăn nuôi thú y của các cơ sở vẫn còn những khó khăn. Đối với quy định mới ra đời thì trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng rất quan trọng. Vì nếu không có sự phối hợp chặt chẽ thì việc kiểm soát là rất khó khăn.

Có thể thấy, mặc dù Luật Thú y ra đời đã tạo được hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ nhằm nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, đảm bảo ATVSTP... Song, với những vướng mắc trên thì việc nâng cao trách nhiệm của người chăn nuôi, của các cấp chính quyền là rất quan trọng.

Trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử phạt các cơ sở chăn nuôi, giết mổ vi phạm ATVSTP thì công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, hướng dẫn người dân lựa chọn các thực phẩm an toàn cũng cần được quan tâm thực hiện tốt hơn.  

      Nguyên Hưng

TIN LIÊN QUAN