Theo đó, lễ khai giảng năm học mới sẽ được tổ chức đồng loạt trên cả nước vào ngày 5/9 với chương trình ngắn gọn, hướng đến học sinh, đảm bảo trang nghiêm.
Đối với cấp học Mầm non, Bộ yêu cầu các trường tổ chức khai giảng dưới hình thức "Ngày hội đến trường của bé" một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.
Bộ Giáo dục cũng lưu ý việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phải phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương. "Các hoạt động cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự quản của học sinh, tránh việc tổ chức hình thức, gây quá tải cho học sinh", công văn nêu.
Bộ Giáo dục đề nghị giám đốc các Sở khẩn trương hoàn thành việc bổ sung trang thiết bị dạy học, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, phấn đấu bước vào năm học mới, các trường học có nhà vệ sinh và công trình nước sạch đảm bảo yêu cầu.
Các Sở cần tham mưu rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm quy định về định mức số lượng giáo viên/lớp đối với các cấp học; đủ số lượng, cơ cấu và chất lượng giáo viên theo môn học. Địa phương phải tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động các cơ sở giáo dục trên địa bàn, trong đó chú trọng hoạt động thu, chi đầu năm học để phát hiện và xử lý tình trạng lạm thu nếu có.
Trước đó ngày 10/8, Bộ Giáo dục đã ban hành chỉ thị về những nhiệm vụ chủ yếu trong năm học 2018-2019 của ngành giáo dục với 9 nhóm nhiệm vụ cụ thể.
Năm học 2018-2019, ngành giáo dục sẽ tiếp tục rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đổi mới giáo dục mầm non, phổ thông, đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục; đẩy mạnh giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo; chú trọng hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất; tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.