Hôm nay (16/12), Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh chính quy trình độ đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên. Quy chế này chỉ áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học; các trường cao đẳng đào tạo giáo viên.

Quy chế quy định về tuyển sinh chính quy trình độ đại học, cao đẳng sư phạm bao gồm: tổ chức tuyển sinh, đề án tuyển sinh, điều kiện tham gia tuyển sinh của thí sinh, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của trường trong công tác tuyển sinh...

images1774579_bna_58539644548d8.jpgNăm 2017 các trường sư phạm tuyển sinh theo quy chế riêng. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Theo đó, việc tuyển sinh vào các trường sư phạm có khá nhiều điểm mới như không quy định điểm sàn, các trường được phép tuyển nhiều lần trong năm.

Thí sinh cũng được phép đăng ký nguyện vọng theo mong muốn, không giới hạn số nguyện vọng cũng như số trường. Theo đó, cơ hội đỗ vào ngành yêu thích của các em sẽ cao hơn.

Các trường có thể có nhiều phương án tuyển sinh như tuyển theo điểm thi trung học phổ thông, theo học bạ hoặc kết hợp các phương án xét tuyển...

Dù tuyển theo phương thức nào các trường cũng phải công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của trường mình để thí sinh biết. Trường cũng phải đảm bảo sẽ không làm phát sinh các hệ lụy liên quan như luyện thi hay tiêu cực thi cử.

Với những trường sử dụng kết quả thi trung học phổ thông, Bộ yêu cầu phải sử dụng tổ hợp các môn thi/bài thi mới ngoài các khối thi truyền thống (khối thi mà trường đã sử dụng từ năm 2014 trở về trước) để xét tuyển cho một ngành cần dành ít nhất 25% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các khối thi truyền thống. Quy định này chỉ thực hiện trong năm 2017.

Việc thêm các tổ hợp môn thi/bài thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc sử dụng kết quả của ba môn thi/bài thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn thi độc lập Toán, Ngữ văn để xét tuyển.

Các môn thi/bài thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo và không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi/ bài thi để xét tuyển cho một ngành. 

Đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi Toán hoặc Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.

Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển. 

Theo Vietnam+

TIN LIÊN QUAN