Chấn chỉnh tình trạng lạm thu và chủ trương giảm tải là hai nội dung được Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm trong quá trình chuẩn bị cho năm học mới. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, nếu chỉ ban hành văn bản mà không hành động thì e rằng khó giải quyết rốt ráo các vấn đề này.
 
Không dùng tiền phụ huynh thưởng giáo viên


Trong một văn bản vừa ban hành, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa ra yêu cầu khá cụ thể đối với khoản thu phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Theo đó, mức thu khoản này do cha mẹ học sinh quyết định trong cuộc họp phụ huynh đầu năm. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT yêu cầu không dùng khoản thu này để “hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường”. Việc chi tiêu phải được lập kế hoạch và được thông qua trong cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học và công khai kết quả sử dụng tại cuộc họp cuối học kỳ, cuối năm học.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải tổ chức thu, quản lý và thông báo dự toán sử dụng, công khai quyết toán các khoản, không được tùy tiện lập quỹ để ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện.

Trong văn bản này, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra yêu cầu đối với các trường khi thu các khoản đóng góp được thoả thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường (tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền học buổi thứ hai...), các khoản thu hộ... Với khoản thu nào, các trường cũng đều phải chủ động phổ biến thông tin tới phụ huynh một cách minh bạch.

Chia sẻ với Tiền Phong, nhiều phụ huynh nghi ngờ khả năng thực thi của văn bản trên. Một phụ huynh trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nói: “Phụ huynh có bất bình, thậm chí đến mức kiện tụng cũng chẳng ăn thua, một mặt trường đổ lỗi hết cho phụ huynh, mặt khác họ tìm cách hợp thức hoá quy trình thu chi. Cấp trên lại xử lý theo kiểu câu giờ, cứ lần lữa mãi không kết luận, đến khi kết luận thì theo chiều hướng phụ huynh nói sai”.

768146_small_65853.jpg

Đằng sau những gương mặt hồn nhiên ngày khai trường là biết bao nỗi lo của các bậc cha mẹ.                                               Ảnh: Hồng Vĩnh.

Hiện tượng các cấp quản lý “làm ngơ” với những sai phạm về thu chi của các trường không chỉ gây bức xúc cho phụ huynh mà với cả nhiều giáo viên. Một nhóm giáo viên trường THPT ở Hà Nội bất bình: “Hiệu trưởng cũ trường tôi có nhiều vi phạm trong thu chi, đặc biệt là những khoản thu liên quan tới Ban đại diện cha mẹ học sinh. Khi báo chí đăng, tập thể giáo viên trong trường mới biết và đòi hỏi hiệu trưởng phải giải thích. Hiệu trưởng không giải thích được chúng tôi kiện lên Sở, lên Thành phố”. Mãi hiệu trưởng mới bị điều chuyển sang trường khác làm hiệu phó. Nhưng điều chúng tôi bất bình nhất là các hiệu phó cũng bị kỷ luật, bị điều chuyển đi nơi khác vì để “mất đoàn kết nội bộ”.

Giảm tải từ lớp 1 đến lớp 12

Đây được xem là động thái tích cực của Bộ GD&ĐT trước những phàn nàn của dư luận xã hội về áp lực học hành đè nặng lên vai học sinh những năm qua.
 
Theo dự thảo hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học, một khối lượng khá lớn kiến thức từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ bị bỏ không dạy (nếu kiến thức trùng với các lớp khác, môn khác), hoặc chuyển thành bài đọc thêm (nếu kiến thức quá sâu, không phù hợp với trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh).v.v...

              Giảm tải rốt ráo được cho là việc rất khó . Ảnh: Hồng Vĩnh

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng nội dung giảm tải này có thể có ích với học sinh sống ở vùng điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, còn học sinh sống ở vùng thuận lợi thì lại khác. “Chương trình – sách giáo khoa hiện nay với con tôi và các bạn bè cháu nói chung là không khó. Nhưng tôi vẫn phải cho cháu đi học thêm ở nhà cô chủ nhiệm và ở một số giáo viên giỏi bên ngoài. Nếu không, con tôi làm sao đảm bảo 5 năm học sinh giỏi để có thể xin vào trái tuyến một trường tốt, và làm sao con tôi thi được vào lớp chọn của những trường đó?”, một phụ huynh trường Tiểu học Khương Mai nói.

Nhiều giáo viên cũng chia sẻ với phụ huynh về nỗi lo ngại này. Thầy Dương Đức Thắng, Tổ trưởng tổ Vật lý trường THPT Chu Văn An, Hà Nội nhận xét: “Nếu dạy học hướng tới mục tiêu giúp học sinh thi ĐH có kết quả tốt thì nội dung SGK chưa đủ để các thầy dạy cho các em, kể cả sách nâng cao. Chênh lệch về mức độ yêu cầu giữa kỳ thi tốt nghiệp THPT với tuyển sinh ĐH hiện nay là quá lớn. Như vậy Bộ cần xác định, sau khi giảm tải nội dung SGK rồi, có tiếp tục đưa ra phương án giảm tải yêu cầu trong kỳ thi ĐH hay không. Nếu không, việc giảm tải sẽ mang đến thiệt thòi nặng nề cho những học sinh thi ĐH khối A nhưng phải học sách đã giảm tải môn Vật lý”.

Vấn đề giảm tải là rất cần thiết, nhưng giảm môn gì, tự nhiên hay xã hội, giảm thế nào, lại là điều rất cần phải nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng.


(Theo Tiền phong)