(Baonghean) - Rừng biên giới vào đêm rét cắt da, cắt thịt. Giữa bóng tối sáng lên ánh đuốc và râm ran tiếng nói cười. Tối nay, đồng bào Mông nơi bản Huồi Mới 1, Huồi Mới 2 (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong) cùng nhau đi đến nhà ông Và Nỏ Cha ở bản Huồi Mới 1, khi biết các chú “Bộ đội Quế Phong” về đây công tác. Giây phút gặp mặt, dân bản nắm chặt tay các chú bộ đội, mừng rỡ như đón những đứa con ruột thịt sau bao ngày xa cách. 
 
Ông Và Nỏ Cha chất thêm củi vào bếp. Ánh lửa cháy bùng lên, soi rõ cái chảo gang chứa đầy hạt ngô nếp rang đang tỏa hương thơm. Bàn tay ông Và Nỏ Cha dùng đũa đảo nhẹ hạt ngô như sợ làm chiếc chảo gang dịch chuyển… Người Mông xem chiếc chảo gang là vật không thể thiếu trong mỗi gia đình. Khi người Mông di chuyển chỗ ở, vật dụng không thể không mang theo là cái chảo gang. Khi chiếc chảo gang được nhấc ra khỏi lò thì không ai ngăn giữ được người Mông ở lại. Chiếc chảo gang này đã được nhấc ra khỏi lò một lần…Và lần đó nếu như không có các chú “Bộ đội Quế Phong” giúp đỡ thì không biết bây giờ cuộc sống của gia đình bố cùng 115 hộ đồng bào Mông ở bản Huồi Mới 1, Huồi Mới 2 này sẽ ra sao.
images912096_anh_bai_que_phong_dan_van.jpgCán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quế Phong giúp người dân bản Noong Đanh dựng lại nhà nơi ở mới.
Năm 2009, nước bạn Lào trao trả 116 hộ đồng bào Mông nơi đây do di dịch cư trái phép sang bên kia biên giới. Họ trở về với 2 bàn tay trắng, trong sự xa lánh của dân bản. Không nhà, không cửa, không người cưu mang nên họ sống vất vưởng, lay lắt nơi góc rừng, xó núi. Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quế Phong được giao nhiệm vụ làm lực lượng nòng cốt giúp 116 hộ đồng bào Mông ổn định cuộc sống. Sau khi nắm tình hình, biết được cuộc sống hết sức khốn khó của 116 hộ dân, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Quế Phong đã tự nguyện trích tiền lương, đóng góp được 50 triệu đồng mua lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu giúp dân bản. Hàng ngày, các anh kiên trì đến từng nhà, nói cho dân bản nghe về chủ trương của Đảng, đồng thời xin dân bản nhường đất, cho bộ đội khai thác vật liệu để dựng nhà ở cho người trở về… Ông Lỳ Tồng Rúa, Trưởng bản Huồi Mới 1 nhớ lại: “Lúc đầu dân bản không ưng cái bụng vì mọi người đã khuyên nhủ nhiều nhưng 116 hộ này vẫn nhất quyết di dịch cư trái phép. Nhưng khi thấy được những việc làm, hiểu được những lời nói đúng của “Bộ đội Quế Phong”, thì dân bản bắt đầu nhận ra và ủng hộ”.
 
Có được sự ủng hộ của dân bản, “Bộ đội Quế Phong” chọn 7 hộ khó khăn nhất, trong số 116 hộ trở về dựng nhà ở cho họ. Ban ngày các anh vào rừng tìm vật liệu. Ban đêm các anh nhóm lửa lấy ánh sáng để san nền, dựng nhà… Hình ảnh những người lính làm việc quên cả thời gian, khiến dân bản cảm động. Họ kể chuyện cho nhau nghe. Câu chuyện kể của họ lan bay xa theo cơn gió rừng, vì thế không chỉ có đồng bào Mông ở bản Huồi Mới 1, Huồi Mới 2 mà còn có rất nhiều người Mông từ nơi khác đến “chung sức” cùng các lực lượng giúp dân. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, 116 hộ đồng bào Mông trở về đã có nhà ở, có đất sản xuất nơi bản Huồi Mới 1, Huồi Mới 2. Người dân trở về còn được các anh “Bộ đội Quế Phong” tham mưu cho Đảng, Nhà nước liên hệ với nước bạn Lào cho phép họ trở lại lấy tài sản mang về nước, ổn định cuộc sống… Bây giờ, mỗi khi ngồi bên bếp lửa, các thế hệ của 116 gia đình người Mông trở về năm ấy đều nhắc nhở nhau rằng: Đừng bao giờ làm chiếc chảo gang dịch chuyển, có như vậy mới không phụ công sức, tấm lòng của các anh “Bộ đội Quế Phong”.
 
Mang theo mối tình quân dân làm ấm cả núi rừng biên giới nơi bản Huồi Mới 1, Huồi Mới 2, chúng tôi đến bản Noong Đanh của đồng bào Thái ở xã Tiền Phong. Khung cảnh của bản Noong Đanh đẹp say đắm lòng người. Noong Đanh là bản mà Ban CHQS huyện Quế Phong xây dựng để làm điểm cho khu tái định cư Thủy điện Hủa Na. Với phương châm giữ vững bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Thái nơi ở mới nên những vật dụng cùng ngôi nhà ở bản cũ được cán bộ, chiến sỹ Ban CHQS Quế Phong kết thành bè mảng vượt sông Chu đem theo toàn bộ cho dân bản. Đến vùng đất mới, những người lính trở thành thợ mộc, thợ nề giúp dân bản dựng lên 78 ngôi nhà sàn vững chãi, mái ngói đỏ tươi. Anh Lương Văn Hùng - Trưởng bản Noong Đanh, tâm sự: Bước chân vào ngôi nhà mới, dân bản ai cũng vui, yên tâm “an cư”, xây dựng bản làng văn hóa. Vì thế, bản Noong Đanh ngày càng thêm sạch, thêm đẹp, trở thành điểm tham quan lý tưởng cho mọi người khách khi đến với Quế Phong.
 
Bản Huồi Cam của đồng bào Khơ Mú ở xã Nậm Nhoóng nằm giữa núi rừng trùng điệp. Những buổi sáng sớm khi sương mù còn giăng kín, người dân bản Nậm Nhoóng đã hình thành thói quen đón nghe tiếng nói từ hệ thống loa truyền thanh. Với sự hỗ trợ về vật chất và sách, báo của Ban CHQS huyện Quế Phong, Câu lạc bộ tự nguyện tuyên truyền phổ biến pháp luật, sách, báo của bản Nậm Nhoóng được thành lập gần 2 năm nay. Từ đó, cứ đều đặn vào buổi sáng, các thành viên trong câu lạc bộ lại đến nhà trưởng bản, nơi có tủ sách pháp luật, sách, báo các loại để đọc cho dân bản nghe. Nhờ đó, hình ảnh “Bộ đội Quế Phong” càng trở nên gần gũi thân quen hơn.
 
Trong lòng dân bản, “Bộ đội Quế Phong” luôn hiện hữu với những việc làm thắm thiết tình quân dân. Điều đó đã góp phần làm nên sự bình yên của một vùng đất biên giới.
 
Bài, ảnh: Hồ Lĩnh 
(5NK - 129, Vinh, Nghệ An)