Thống nhất trong toàn lực lượng
Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh là 1 trong 4 đảng bộ ở Nghệ An được chọn tổ chức đại hội điểm. Với đặc điểm là lực lượng vũ trang nòng cốt trong công tác giữ gìn và bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, bởi vậy việc triển khai đại hội Đảng các cấp trong BĐBP cũng có những đặc thù. Đại tá Lê Như Cương – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết, trên cơ sở Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các kế hoạch, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh BĐBP và Tỉnh ủy Nghệ An, Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã thành lập và kiện toàn các tiểu ban phục vụ đại hội theo quy định.
Về cơ bản các đơn vị đã tiến hành xong đại hội chi bộ. Một số chi bộ mặc dù công tác nhân sự chưa kiện toàn xong, ban chấp hành, cấp ủy vẫn còn khuyết song vẫn tiến hành đại hội. Đại tá Lê Như Cương cho biết, do một số cán bộ đến ngày 1/3 được cấp trên rút khỏi các đơn vị, một số khác không đủ tuổi để tiếp tục tham gia cấp ủy theo quy định, trong khi đó quy định về cơ cấu tổ chức nhân sự trong lực lượng là chặt chẽ và thống nhất nên đại hội vẫn tiến hành và được bầu khuyết. Thực tế này cũng được quy định trong Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị. Và để hoạt động chính trị đặc biệt này diễn ra thuận lợi, đáp ứng sự đòi hỏi của khách quan, nhất là sự thống nhất trong toàn lực lượng, các đảng bộ trực thuộc đều chọn 1 chi bộ để tổ chức đại hội điểm. Thực tế cho thấy các chi bộ đều tiến hành đại hội đúng quy trình, quy định.
Đại hội tại các chi bộ cơ sở diễn ra thuận lợi còn bởi đặc thù của lực lượng vũ trang là cơ cấu cấp ủy gắn với chỉ huy đơn vị. Theo đó, cấp chỉ huy phó được bầu giữ chức vụ bí thư chi bộ - tức chính trị viên, cấp chỉ huy trưởng là phó bí thư.
Ngay trong tháng 2 này, Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo đại hội điểm tại 3 Đảng bộ gồm: Đảng bộ Đồn Biên phòng Tam Quang, Đảng bộ Đồn Biên phòng Hạnh Dịch và Đảng bộ Hải đội 2. Trên tinh thần tổ chức đại hội điểm ở các đảng bộ này sẽ rút kinh nghiệm cho các đảng bộ, đơn vị khác trong toàn lực lượng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh Lê Như Cương cho hay.
Đối với Văn kiện đại hội Đảng bộ Bộ Chỉ huy BĐBP, đơn vị phải đồng thời thực hiện sự hướng dẫn, chỉ đạo của cả Đảng ủy Bộ Tư lệnh và Tỉnh ủy. Bên cạnh đó, tham gia góp ý vào dự thảo của cả Đảng bộ tỉnh và Bộ Chỉ huy, đây có thể coi là văn kiện thể hiện tính “song trùng”.
Nâng cao một bước tăng cường cán bộ đảng viên về cơ sở
Gắn với đại hội các cấp trong BĐBP tỉnh là việc triển khai công tác bố trí cán bộ, đảng viên sỹ quan tăng cường cho cấp ủy địa phương. Chủ trương này được Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh triển khai và duy trì từ năm 2002 đến nay. Ở Nghệ An có 27 xã biên giới (giáp Lào) được tăng cường cán bộ, đảng viên thuộc lực lượng BĐBP. Trước đây, các cán bộ, đảng viên Biên phòng về tham gia sinh hoạt tại các đảng ủy xã không nhiều người tham gia cấp ủy và giữ vai trò chủ chốt. Tuy nhiên, bắt đầu từ nhiệm kỳ 2020 - 2025, theo sự tham mưu của BĐBP tỉnh, Tỉnh ủy đã có chủ trương, 100% cán bộ, đảng viên, sỹ quan tăng cường cho các đảng bộ xã đều tham gia cấp ủy và giữ chức vụ phó bí thư đảng ủy xã. BĐBP tỉnh cũng đã kiện toàn xong nhân sự tăng cường cho 27 xã, chuyển đảng chính thức về các đảng bộ huyện, sau đó huyện chuyển về đảng bộ xã.
Trên cơ sở khảo sát về nhân sự trong lực lượng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng thống nhất và đề nghị đảng bộ các huyện chỉ định cán bộ Biên phòng tham gia cấp ủy và giữ chức vụ phó bí thư đảng ủy xã. Đặc biệt, số cán bộ cấp ủy này không nằm trong cơ cấu cán bộ của xã khi tiến hành công tác nhân sự cho đại hội. Chỉ là sự bổ sung thêm một phó bí thư. Chính vì vậy việc bố trí, tăng cường cán bộ biên phòng tại các xã hoàn toàn không ảnh hưởng đến công tác quy hoạch cán bộ, nhân sự của địa phương.
“Chẳng hạn nếu cơ cấu ban chấp hành của xã là 7 thì bổ sung thêm 1 là 8; phó bí thư đảng ủy xã 2 thì thêm 1 là 3”.
Về cơ chế chính sách đối với các cán bộ tăng cường cũng do BĐBP chi trả, không ảnh hưởng đến ngân sách địa phương. Đây thực chất là sự hỗ trợ, tính trách nhiệm của BĐBP trong công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền nhân dân và vì cuộc sống cộng đồng. Và tiêu chí để đánh giá vai trò, nhiệm vụ, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cán bộ, đảng viên tăng cường dựa trên hai kênh, đó là những nhận xét đánh giá của đảng bộ địa phương và đảng bộ đơn vị. Qua thực hiện nhiệm vụ này sẽ là môi trường để rèn luyện cán bộ, sỹ quan Biên phòng.
Còn đối với số cán bộ, đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ dân cư khu vực biên giới, theo quy trình việc chuyển đảng chỉ là tạm thời. Các đảng viên này đồng thời tham gia đại hội của cả chi bộ xóm, bản và chi bộ, Đảng bộ Biên phòng. Thực tế thời gian qua cho thấy, thực hiện mô hình phân công đảng viên phụ trách các gia đình khu vực biên giới, BĐBP tỉnh đã phân công gần 600 đảng viên phụ trách, giúp đỡ hơn 2.800 hộ dân khu vực biên giới, ven biển. Mô hình này sẽ được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng ĐBBP trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và góp phần hỗ trợ, ổn định đời sống cho nhân dân vùng biên giới.